Bộ trưởng TNMT: “Cấm nhận chìm bùn cát nạo vét xuống khu bảo tồn”

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 08/11/2017 06:50 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý nơi nhận chìm bùn cát sau khi nạo vét luồng lạch (tại Bình Định) cần phải được điều tra kỹ lưỡng, cấm những khu vực bảo tồn, nuôi trồng thủy sản.
Bình luận 0

Liên quan đến việc đề xuất nhận chìm bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn xuống biển (Dân Việt đã thông tin), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: “Quá trình nạo vét luồng lạch cảng biển là nhu cầu cần thiết, phải làm nhưng thận trọng. Cần tính toán tất cả các mục tiêu để đảm bảo lợi ích môi trường và nhiều lĩnh vực khác”.  

Theo ông Hà, trong quá trình nạo vét, nhận chìm phải nghiên cứu thật kỹ tác động, có quy hoạch và điều tra khảo sát khu vực nhận chìm.

“Nếu là khu vực bảo tồn, nuôi trồng thủy sản thì không thể nhận chìm được, phải cấm. Vì vậy, địa phương, đơn vị chức năng sẽ tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt. Trong quá trình nhận chìm phải luôn luôn giám sát chặt chẽ, đảm bảo các quy định, quy trình hiện hành”, ông Hà lưu ý.

img

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: D.T

Ông Hà cho rằng, cần phân biệt quá trình nhận chìm không phải là chất thải mà là dạng phù sa, bùn cát, trầm tích vật chất của biển. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới còn nhận chìm cả chất thải nguy hại nhưng nó được kết hợp với các chất để cứng hóa, bê tông hóa hoặc cô lập hóa, hoàn toàn không gây hại đến môi trường.

Ông Hà khuyến cáo địa phương khi nhận chìm nên lưu ý kết hợp tính toán đến những khu vực, vị trí có thể triển khai nhiều mục đích khác như lấn biển, san lấp biển. Làm theo đúng quy trình, có cơ sở khoa học để đảm bảo lợi ích cho nhiều lĩnh vực.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, khi có cảng là đã có công tác nạo vét luồng lạch theo chu kỳ 2 năm 1 lần. Đây là việc làm thường xuyên, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, nghiên cứu đánh giá cụ thể.

img

Tỉnh Bình Định đang xem xét cấp phép nhận chìm hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn xuống biển. Ảnh: D.T

Dân Việt đã từng thông tin Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Điều này, khiến các chuyên gia, lãnh đạo địa phương và người dân lo ngại trước nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - cho rằng, việc nhận chìm ở biển rất “nhạy cảm” nhưng không thể không thực hiện vì nhu cầu phát triển kinh tế.

“Các nước trên thế giới không chỉ xử lý người trực tiếp gây ra ô nhiễm mà còn xử cả người ký quyết định, ban tư vấn tham mưu. Tất cả những người góp tay tạo ra sự cố đó đều sẽ bị trừng trị theo pháp luật. Vì vậy, tỉnh Bình Định phải làm việc có khoa học, có cơ quan tư vấn, đánh giá tác động dự án nhận chìm thật rõ ràng và mang ra cho người dân bàn công khai, xem họ có thống nhất không. Vì khi xảy ra sự cố thì không chỉ riêng biển Bình Định “chết” mà mà các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa đều bị ảnh hưởng”, Tiến sĩ An lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem