Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Quân xanh quân đỏ tạo giá đất ảo là có thực"
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Quân xanh quân đỏ tạo giá đất ảo là có thực"
Thế Anh
Thứ tư, ngày 16/03/2022 16:04 PM (GMT+7)
Về vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá; cần chế tài xử lý mạnh hơn, kể cả hình sự, kinh tế để đủ tính răn đe...
Đấu giá đất đai không phải như đấu giá một chiếc đồng hồ
Chiều nay (16/3) tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc sử dụng đất đai để phát triển đô thị. Theo ông Sang, việc sử dụng đất đai để phát triển đô thị đang tự phát, không theo quy hoạch. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thị trường gây chệch hướng phát triển, giải pháp ngăn chặn tình trạng này ra sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) chất vấn Bộ trưởng Hồng Hà về dấu hiệu "bong bóng" bất động sản đang làm rung lắc thị trường và vấn đề trốn thuế trong giao dịch đất đai đang xảy ra, nguyên nhân trách nhiệm của Bộ và giải pháp xử lý trình trạng này thế nào? Theo Bộ trưởng có nên hình sự hoá hành vi gây lũng loạn thị trường bất động sản hay không?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: "Tình trạng thổi giá và dìm giá đất đều nguy hiểm. Việc đẩy giá làm biến động thị trường, làm cho đầu vào của nền kinh tế không hiệu quả gây ra giá ảo; qua đó, rút tiền từ ngân hàng và nhiều hệ luỵ liên quan".
Về giải pháp, nếu chúng ta thay đổi được quy định về đấu giá, vì đấu giá đất đai không phải như đấu giá một chiếc đồng hồ hay máy móc khác, mà đấu giá đất đai là phải theo quy định, thủ tục trình tự chặt chẽ.
Tiếp đó, phải áp dụng công nghệ thông tin, bảo vệ những người tham gia đấu giá đó, bởi vì có hiện tượng gây sức ép đe doạ và nơi đấu giá lộn xộn, mất trật tự. Thậm chí có cả việc móc ngoặc giữa đơn vị tổ chức đấu giá với người tham gia đấu giá. Như vậy, cần phải thanh tra kiểm tra xử lý, đề xuất những chế tài mạnh mẽ hơn, kể cả hình sự để xử lý, xen lẫn các chế tài xử lý về kinh tế.
Cần chế tài xử lý mạnh hơn, kể cả hình sự
"Tôi cho rằng, chế tài về kinh tế vô cùng quan trọng nhưng chế tài như thế nào? Chúng ta cần phải tính toán từ việc đặt cọc tiền trước khi đấu giá, tiền cam kết có từ đâu để khẳng định tiền này là tiền có thật của người tham gia đấu giá và thẩm định hồ sơ năng lực tham gia đấu giá. Việc thẩm định hồ sơ cần làm chặt chẽ thông qua các ngân hàng, hồ sơ lý lịch của đơn vị tham gia để xem họ như thế nào", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, "đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia đấu giá được, như vậy mới đủ sức răn đe".
Ông Hà đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá. Cần chế tài xử lý mạnh hơn, kể cả hình sự, kinh tế để đủ tính răn đe.
Hiện nay, thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá chỉ 15 ngày là không được. Cần đi trước bước đấu giá là thẩm định và làm căn cơ, tức là thẩm định thông qua hồ sơ ngân hàng, hồ sơ đất đai, lý lịch nhà tham gia đấu giá... Hiện thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá đất là 15 ngày tương tự với đấu giá một vật dụng quý, thì không phù hợp.
Tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề đấu giá đất gây nhiễu loạn thị trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, sau khi tôi nghe Bộ trưởng Hà nói về việc đấu giá đất, đặc biệt là đấu giá đất tại Thủ Thiêm, tôi mong muốn Bộ trưởng làm rõ hơn việc xử lý.
Thứ nhất, việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm là trường hợp rất cụ thể. Vậy quá trình chúng ta kiểm tra, giám sát cụ thể vụ việc này như thế nào? Có chuyện thổi giá lên để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu hoặc để đánh bóng giá trị tài sản để lợi dụng vay ngân hàng, làm sạch bản tài chính của doanh nghiệp. Vậy với trường hợp cụ thể này có hay không?
Thứ hai là trên thị trường sốt đất là có tình trạng này, vậy có phải là sốt đất ảo không? có hình sự hoá vấn đề thổi giá đất hay không? Tôi cho rằng: "Có việc làm lũng loạn, có âm mưu làm tăng giá trị đất lên để vay ngân hàng".
Thứ 3 nữa là âm mưu phá hoại nên kinh tế của đất nước, sao chúng ta không xử lý hình sự được? Chúng ta phải xử lý thật nghiêm thì mới chấm dứt được tình trạng lũng loạn như hiện nay.
Bộ trưởng Hà cho biết: Vụ Thủ Thiêm đã được Chính phủ giao cho các cơ quan có trách nhiệm để làm rõ đây là điểm yếu về pháp luật, điểm yếu về pháp luật chúng tôi đã giải thích rõ và có báo cáo. Sắp tới cần làm gì cũng đã rõ trong đó có các quy định pháp luật liên quan.
Luật thuế thì không thể coi đây là hợp đồng mang tính trách nhiệm nữa mà khi ký hợp đồng xong phải trả tiền, thời gian trả tiền không phải 90 ngày mà rút xuống còn 10 ngày. Như vậy, không đủ thời gian để cho doanh nghiệp làm lũng loạn thị trường và lợi dụng trục lợi.
Đối với tiền đặt cọc hiện nay chỉ có 5 – 10%, sẽ xem xét khi đưa giá lên bao nhiêu thì phải có tiền sẵn và chứng minh được tiền đó là thật. Việc chứng minh không dựa vào báo cáo của doanh nghiệp mà phải dựa vào thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền, còn việc trục lợi, để lấy tiền từ ngân hàng hay để đánh bóng tên tuổi thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.