Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA và bức thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 25/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
Trò chuyện với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt ngày đầu xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kể lại quá trình cầm bức thư của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đi Châu Âu để thuyết phục các nước thành viên EU sao cho Hiệp định EVFTA được ký đúng ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Rumani.
Bình luận 0

Theo thông cáo chính thức, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) với kết quả bỏ phiếu 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng.

Phiên họp tháng 2 tới tại Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu EVFTA và EVIPA. Một khi Hội đồng ký kết thỏa thuận thương mại, nó có thể có hiệu lực ngay lập tức.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ EUR mỗi năm và 3,6 tỷ EUR về dịch vụ. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 5 - 7% mỗi năm. Các mặt hàng nhập khẩu chính của EU từ Việt Nam bao gồm thiết bị viễn thông, quần áo và thực phẩm. EU chủ yếu xuất khẩu hàng hóa như máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản sang Việt Nam.

img

Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh (bìa phải) và bà Cecilia Malmström Cao ủy về thương mại của EU tại lễ ký kết Hiệp định thương mại đầu tư (EVFTA)

Với việc Hiệp định EVFTA được thông qua, cơ hội mở ra cho hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng thế mạnh như dệt may, da giày, công nghiệp chế biến - chế tạo và sản phẩm nông sản. Với mục tiêu xuất khẩu sẽ đạt 300 tỷ USD trong năm 2020, việc Hiệp định EVFTA được thông qua đã mở cánh cửa hội nhập một cách mạnh mẽ. Nhân dịp đầu xuân năm Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trò chuyện thân mật với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt xung quanh Hiệp định EVFTA cũng như cơ hội của hàng hoá Việt Nam. 

Thưa Bộ trưởng! Đối với 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương trong năm vừa qua, Bộ trưởng đánh giá sự kiện nào là nổi bật và có những dấu ấn đậm nét nhất? 

Năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước ta trong việc tiến tới hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. 

Cuối tháng 12/2019, Bộ Công Thương đã lựa chọn và công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành như: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD; Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết...

Khi đưa ra lựa chọn và công bố 10 sự kiện kể trên, chúng tôi đánh giá, mỗi sự kiện đều có vai trò ý nghĩa rất lớn và là cả một quá trình nỗ lực, sáng tạo và đóng góp của tập thể ngành Công Thương, đã góp những “viên gạch” vào công cuộc đổi mới kiến tạo đất nước. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhìn nhận và đánh giá, tôi cho rằng sự kiện Việt Nam đạt kỷ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD năm 2019 và cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu là sự kiện nổi bật nhất. 

Có vẻ như kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD năm 2019 có sự đóng góp không nhỏ từ các hiệp định thương mại FTA được ký kết và thông qua, thưa Bộ trưởng?

Như các bạn đã biết, năm 2019 đã ghi nhận tăng trưởng của thương mại toàn cầu giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung. Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Nói khái quát như thế để thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm đạt được con số xuất khẩu gần 264 tỷ USD là không hề đơn giản. Đây chính là nỗ lực chung của cả Chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp cả nước cần đáng được tôn vinh và trân trọng. 

Cá nhân tôi thấy rằng, chính các nỗ lực đẩy mạnh mở cửa, thâm nhập thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) và đã đạt kết quả. 

Cụ thể, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia đàm phán 17 FTA, trong đó có 12 FTA đã đi vào hiệu lực, đã góp phần không nhỏ vào cán cân thương mại rất khởi sắc của Việt Nam trong năm qua, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

img

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Ngay những ngày đầu năm 2020, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) cũng đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội cho hàng hoá Việt Nam cũng như mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD. Bộ trưởng có thể chia sẻ kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong quá trình đàm phán Hiệp định EV FTA?

Hoạt động thì có nhiều nhưng có lẽ điều tôi nhớ nhất trong năm qua chính là những ngày cuối cùng trước khi đi đến ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). 

Tôi nhận nhiệm vụ đúng vào giai đoạn quá trình toàn cầu hóa ở nhiều nơi đang có xu hướng chững lại, thậm chí đổi chiều. Trong khi đó, lực lượng sản xuất của ta đã phát triển đến mức đòi hỏi cần phải có thêm các thị trường mới, Việt Nam không thể theo một số nước tiến hành đóng cửa, dừng tiến trình cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Chính vì vậy, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 06 vào tháng 11/2016 về việc tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới . Sau nhiều nỗ lực thì đến đầu năm 2019, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, bước đầu hiện thực hóa được chủ trương của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện tại Nghị quyết 06. 

Tuy nhiên, nếu chỉ có một Hiệp định, dù là hiệp định có nhiều nước tham gia, thì cũng chỉ là thực hiện bước đầu, chưa thể coi là ta đã thực hiện một cách đầy đủ Nghị quyết của Trung ương. 

Chính vì vậy, việc thúc đẩy để ký kết được hiệp định thương mại tự do với EU là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm 2019 để thúc đẩy xuất khẩu, khai thông các tiềm năng kinh tế của đất nước và tạo thế và lực mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

Sau nhiều nỗ lực của cả các cơ quan Quốc hội và các Bộ, ngành thì Hiệp định EVFTA gần như sẵn sàng, chỉ còn mấy tuần nữa là chuẩn bị đến thời điểm ký kết, dự kiến là trước khi Rumani kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Châu Âu vào 30/6/2019. 

Nhưng chỉ khoảng hai tuần trước thời điểm quyết định đó, có ba nước Thành viên EU nêu thêm một số quan ngại của mình, thậm chí cho biết, nếu không giải quyết được một cách triệt để thì không có chuyện thông qua việc ký kết EVFTA.

Trong tình huống như vậy, nếu thời gian đàm phán, giải quyết kéo dài sẽ lỡ mất nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Rumani. Trường hợp phải đợi đến khi có nước khác lên thay vào nhiệm kỳ Chủ tịch EU sau, Việt Nam lại phải bắt đầu lại thủ tục từ đầu, từ việc thuyết phục Chủ tịch mới của Hội đồng EU đưa ra chương trình làm việc mới đến việc thuyết phục lại các nước Thành viên EU.  

Biết tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tôi cầm thư do Thủ tướng Chính phủ đích thân ký đi Châu Âu để giải quyết bằng được, không để các nước vì một số vấn đề khác biệt trong quan hệ kinh tế mà làm hỏng tiến trình hợp tác chung. Vấn đề khó là ba nước này, họ có bối cảnh chính trị hết sức phức tạp, một nước lại đang trong kỳ nghỉ ở nước họ mà chờ thêm thì muộn mất. 

Thế là cả đoàn công tác phải đôn đáo, nhờ Bộ trưởng nước này nói hộ nước kia để thu xếp, rồi sang đó gặp trực tiếp đưa thư của Thủ tướng và giải thích cho họ hiểu. Rất mừng là cuối cùng các nước cũng đồng ý để có lễ ký đúng vào ngày 30/6/2019, đúng ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Rumani. 

Nhưng mà mừng hơn cả là các chủ trương của Đảng và chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai đúng, triệt để, kể cả trong bối cảnh quốc tế đang ở giai đoạn khó khăn nhất. 

img

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khảo sát giá cả thị trường tại chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) ngày 29 Tết.

Bộ Công Thương sẽ làm gì để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như nhiều hiệp định khác để đạt được những thành tích tương tự và mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD như Thủ tướng giao trong năm 2020 tới đây? 

Kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD vào năm 2019 là mức cao chưa từng có từ trước tới nay. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương và Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ năm 2020 ngành Công Thương cần đưa kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD.

Phấn đấu mục tiêu này, Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, bên cạnh chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu khoảng 7% và Chính phủ giao là đạt khoảng 8%, Bộ Công Thương đã giao Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đây là một mục tiêu hết sức thách thức, vì so với kết quả xuất khẩu 263,45 tỷ USD năm 2019, mức tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 phải đạt khoảng 36-37 tỷ USD, tức là trung bình mỗi tháng năm 2020 giá trị xuất khẩu phải đạt được cao hơn cùng kỳ năm 2019 là khoảng 3 tỷ USD. 

Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU,... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Giá nông sản, thủy sản đang ở mức thấp do tổng cầu thế giới không cao. Xu hướng bảo hộ và chống tự do hoá thương mại và đầu tư đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Do vậy, để tiếp tục đạt được tăng trưởng xuất khẩu cao trong năm 2020, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện, sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương.

img

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khảo sát giá cả thị trường tại chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) ngày 29 Tết.

Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới cho khu vực doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương sẽ chú trọng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, có chính sách mới giúp các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp và giúp phát triển thị trường xuất khẩu. 

Bộ Công Thương cũng đã và đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu về quy tắc xuất xứ tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó đặc biệt là hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. 

Các khóa tập huấn/hội thảo được tổ chức trải dài hầu khắp các tỉnh thành, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu. 

Thông qua các hội thảo tuyên truyền và khóa tập huấn, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được quy định cam kết, đối chiếu với thực tiễn sản xuất tại từng doanh nghiệp, từng địa phương để chủ động điều tiết nguồn nguyên liệu phù hợp, đạt được thuế quan nhập khẩu ưu đãi.

Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường, duy trì Bản tin nông lâm thủy sản hàng tuần, xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Để giảm dần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm phát triển mạnh và có hiệu quả công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí; phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hóa thay thế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi FTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA để chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu…

Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem