Nóng: Ủy ban Thương mại EU thông qua EVFTA, nông sản nào được lợi?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 21/01/2020 18:57 PM (GMT+7)
Ngày 21/1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Với Hiệp định mới này, nhiều nông sản sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu vào EU.
Bình luận 0

Theo đó, sáng 21/1 (giờ Bỉ), INTA họp tại Brussels, Bỉ để bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA với Việt Nam với tỉ lệ phiếu 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng).

EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm. Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.

img

Lễ ký kết EVFTA giữa EU và Việt Nam vào ngày 30-6 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc EVFTA được ký kết và thông qua sẽ tạo cơ hội cho nhiều nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: đồ gỗ và lâm sản, thủy sản, cà phê,... 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, EVFTA có vai trò đặc biệt trong việc gia tăng vị thế cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu. Bởi thị trường EU lớn nên các sản phẩm nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu khi hiệp định được áp dụng.

Cụ thể, gia nhập EVFTA, các mặt hàng chính như thủy sản, rau quả, gỗ… sẽ được giảm thuế về 0%. Trong đó, EU sẽ xóa bỏ ngay 50% số dòng thuế cho thủy sản, 50% số dòng thuế còn lại sẽ có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm; rau quả sẽ có 520/556 dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; cà phê, hạt tiêu có 93% dòng sản phẩm về 0% khi hiệp định có hiệu lực…

Ngay khi EVFTA được ký kết, nhiều chuyên gia đánh giá sẽ mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Với việc các dòng thuế được hạ xuống, và một số mặt hàng có thể giảm về 0% theo lộ trình sẽ tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến xuất khẩu gỗ hy vọng, xuất khẩu gỗ vào EU sẽ tăng trong thời gian tới. EU là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam. Với những cam kết mà đôi bên đạt được trong EVFTA, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ rộng đường hơn khi vào EU.

img

Nhiều nông sản được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: I.T

EVFTA cũng được kỳ vọng mang lại cơ hội cho ngành hồ tiêu để thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực EU, đặc biệt là thị trường Đức. Trong đó, Việt Nam có thể gia tăng sức cạnh tranh trong khối EU so với các đối thủ nằm ngoài EVFTA nhờ hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Hiện nay, thị trường EU đang áp dụng mức thuế suất 4% đối với mặt hàng tiêu xay nhập khẩu; sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế suất này ngay lập tức sẽ được xóa bỏ đối với các sản phẩm tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.

Việc Việt Nam tham gia EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu mở rộng thị trường và tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hồ tiêu. Trước đây, xuất khẩu tiêu sang thị trường EU phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng nước thì sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối để có thể xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU. 

Việt Nam cũng sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong dài hạn, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định lên giá hạt tiêu, do đó phải thay đổi tập quán sản xuất và kiên quyết giảm diện tích ở những nơi không phù hợp, năng suất kém. Phải giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo ra các sản phẩm tiêu đáp ứng được yêu cầu của EU và các thị trường khó tính khác.

Đặc biệt, cần cải thiện năng lực chế biến, bởi dù cả nước có hơn 200 nhà máy chế biến hồ tiêu nhưng việc chế biến tinh lại rất khiêm tốn.

Mặt hàng thủy sản cũng được đánh giá có nhiều cơ hội, bởi 2 sản phẩm chủ lực là: cá tra phile tươi, ướp lạnh (HS 030432) thuế sẽ giảm từ 9% xuống 0% sau 3 năm; cá tra phile đông lạnh (HS 030462) sẽ giảm từ 5,5% xuống còn 0% sau 3 năm EVFTA có hiệu lực. Sản phẩm cá tra đông lạnh (HS 030324) được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm từ mức 8% như hiện nay.

Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu mã HS 03061100 vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%; thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 về 0% từ 20% hiện tại. Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 sẽ giảm thuế về 0% từ 12% hiện tại. Tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18% hiện tại sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực…

EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, tuy vậy, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm khoảng 2%, trong khi EU là một thị trường rất lớn (28 nước thành viên) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với tổng giá trị nhập khẩu hàng năm khoảng 2.338 tỷ USD. Như vậy, dung lượng thị trường và dư địa xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn. Điều còn lại là các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng của EU để khơi thông thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem