Dù bị đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “truy” đến cùng lời cam kết trách nhiệm trước dân về độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng “trước sau” vẫn “Sông Tranh an toàn”.
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị bộ trưởng trả lời dứt khoát câu hỏi "dân ở hay dân đi, hoặc dừng công trình” để dân yên tâm thì vị tư lệnh ngành xây dựng “bỗng dưng” lưu loát hẳn lên: “Nước ở mực tràn (cao trình 175 mét) thì hoàn toàn yên tâm, người dân cứ ở đó không phải đi đâu hết".
“Nếu vỡ đập, ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên”- đại biểu Ngô Văn Minh tiếp tục đặt câu hỏi. Bộ trưởng Dũng trả lời ngay: “Các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật".
Thưa Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đại biểu Ngô Văn Minh hỏi về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chịu trách nhiệm về chất lượng công trình thì ông lại đá nhanh “quả bóng” trách nhiệm từ “chân” mình sang “chân” tập thể các cơ quan liên quan. Có tới ba lần đại biểu Quốc hội cười ồ sau mỗi câu trả lời của Bộ trưởng Dũng. Với tính cách bộc trực của người con đất Quảng, đại biểu Ngô Văn Minh nói thẳng: “Bộ trưởng có nghe nhiều đại biểu bật cười khi bộ trưởng khẳng định có thể yên tâm không?”.
Từ xã miền núi xa xôi của huyện Bắc Trà My - một trong bốn xã hy sinh nhiều nhất cho thủy điện Sông Tranh, ông Nguyễn Hữu Trung - Chủ tịch xã Trà Tân - xã nằm ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh, gọi ngay báo tin cho phóng viên biết nỗi vui mừng của người dân khi nghe được lời của Chủ tịch Quốc hội: Tôi cũng chưa thấy yên tâm về Sông Tranh 2.
Ngay sau phiên chất vấn, các phóng viên nghị trường tiếp tục hỏi vị Tư lệnh ngành xây dựng về độ an toàn của thủy điện Sông Tranh. VnExpress đăng tải “Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các nhà khoa học đã đi đến thống nhất căn bản thể hiện ở hội thảo Hội địa chất vừa qua. Hội địa chất đã kết luận đập sông Tranh an toàn, không có tình trạng nền bị phong hóa như một số đại biểu nói”.
Là phóng viên được tham dự Hội thảo khoa học về “Địa chất, công trình nền đập Nhà máy thủy điện Sông tranh 2” do Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam tổ chức sáng 9.11 - hội thảo mà Bộ trưởng Dũng vừa nhắc trong trả lời trên, đọc xong trả lời của bộ trưởng, tôi vội lục tìm trong tập liệu.
Giấy mời dự buổi hội thảo khoa học đó, do Phó GS-TS Tạ Đức Thịnh ký, ghi rõ : Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, kỹ sư, nhà chuyên môn, quản lý trao đổi, thảo luận, đánh giá những vấn đề khoa học, quản lý liên quan đến ổn định nền đập thủy điện Sông Tranh 2 trên quan điểm địa chất công trình.
Báo cáo của Hội địa chất cũng như ý kiến phát biểu tại buổi hội thảo chỉ tập trung “mổ xẻ” về nền địa chất của công trình thủy điện Sông Tranh, không một ý kiến nào bàn về an toàn của thân đập.
Tại hội thảo, GS-TS khoa học về địa chất Phan Trường Thị đã thẳng thắn nói rằng: Đã có những sai lầm nghiêm trọng trong thi công mà không ai nói ra”. Hội thảo do Hội địa chất chỉ bàn vấn đề cấu trúc địa chất nền đập của thủy điện Sông Tranh 2, tuyệt nhiên không một ý kiến nào bàn về an toàn thân đập.
Dự hội thảo này có đại diện Bộ Xây dựng (nghe chủ tọa hội thảo giới thiệu), không biết cấp dưới của bộ trưởng về báo cáo thế nào mà bộ trưởng lại trả lời báo giới rằng: “Các nhà khoa học đã đi đến thống nhất căn bản thể hiện ở hội thảo Hội địa chất vừa qua. Hội địa chất đã kết luận đập sông Tranh an toàn” (?!).
Thưa bà con Bắc Trà My, dù đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói “cứng” rằng bà con cứ yên tâm sống, không phải đi đâu hết, nhưng chia xẻ với báo chí bên ngoài hành lang nghị trường, Bộ trưởng Dũng cũng đã thật lòng với bà con, về sự sợ hãi vì động đất : “Nếu mình cho ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm chưa nói đến người dân”.
Theo lời mời của đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh, chắc một ngày không xa, sẽ có một ngày Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng sẽ đến sống cùng bà con Bắc Trà My để hiểu thêm nỗi khổ vì những trận rung chấn, vì nỗi lo mất an toàn từ đập Thủy điện Sông Tranh.
Phương Yên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.