Ông Lê Huy Tiếp, hiện đang là chủ tịch khoa Đồ họa, Hội mỹ thuật Việt Nam đã vào Sài Gòn và đến xem triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”. Sau khi xem triển lãm, ông đã có những chia sẻ mới nhất của mình cùng PV Dân trí.
Hiện tại, ông có nhận định gì sau khi xem qua triển lãm?
- Tôi chỉ nói những điều đơn giản nhất, tôi sẽ tìm thêm tư liệu để khẳng định tính thật giả. Chúng tôi sẽ họp vào thứ 3, ngày 19.7, sau đó chúng tôi sẽ có những câu trả lời rõ ràng hơn.
Xin hỏi, hội đồng thẩm định lần này do ai đề xuất? Và thành viên sẽ có ai tham dự?
Ông Lê Huy Tiếp, Chủ tịch khoa Đồ họa, Hội mỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ sự thất vọng của mình khi xem triển lãm tranh gây ồn ào suốt thời gian qua
- Do Bộ văn hóa, Hội mỹ thuật thành phố đề xuất. Có ý kiến của Bộ văn hóa, bởi vì Bảo tàng Mỹ thuật thành phố thuộc Cục Mỹ thuật (Bộ văn hóa).
Dự kiến sẽ có ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật vào tham dự cuộc họp lần này.
Sau khi xem tranh, so với những nhận định của mọi người, ông cảm thấy như thế nào?
- Hôm nay tôi xem, tôi thấy cái đơn giản về việc chép tranh cũng còn quá non kém, không biết nói gì nhiều, chỉ biết lắc đầu về triển lãm này.
Tôi thấy triển lãm gây thất vọng hoàn toàn, tôi cố gắng tìm một cái mà tôi có thể nghĩ rằng, ít nhất trong một triển lãm phải có những cái thật, xen vào những cái giả. Tuy nhiên thật sự tôi xem nhưng tôi chưa tìm bức nào khiến tôi tin đó là thật cả.
Ông có nói gì về bức tranh Tạ Tỵ bị giả mạo?
- Bức tranh đó không cần tranh luận nữa, rõ ràng đó là tranh của anh Thành Chương. Bởi vì người vẽ bức tranh đó đã nhận ra tranh của mình. Trong nghề nghiệp của chúng tôi, anh Thành Chương vẽ những năm 70 thế nào chúng tôi cũng biết. Cách vẽ của ông Tạ Tỵ thế nào, chúng tôi cũng biết.
Trước đó, khi chưa nghe câu chuyện tranh Thành Chương tôi đã so sánh chữ ký ông Tạ Tỵ và chữ ký Tạ Tỵ trên tranh của anh Thành Chương. Tôi đã thấy chữ ký khác nhau hoàn toàn.
Phân tích về bút pháp, cách kẻ dòng, sự cẩn trọng của ông Tạ Tỵ trong chữ ký của ông trong những năm 50, nó khác hẳn, không nguệch ngoạc như chữ ký trong tranh anh Thành Chương. Tôi phải nói, chữ ký đó quá xấu và không phải tính cách của họa sĩ. Khi nhìn vào chữ ký, không phải chúng tôi nhìn vào chuyện giống, mà chúng tôi phải nhìn xem bên trong đó bút pháp, tính cách con người như thế nào.
Hôm nay tôi cũng mới được tin là anh Thành Chương đã tìm ra bản phác thảo đầu tiên của tranh vẽ cô Kim Anh. Nếu không tìm thấy thì chúng tôi là người làm nghề cũng nhìn ra tranh của anh Thành Chương.
Ông nói gì về những bức tranh ông cho là giả mạo trong triển lãm?
- Hôm nay tôi đi xem tranh, tôi chỉ hỏi tại sao người đặt làm tranh giả lại đặt những người thợ kém cỏi đến mức như vậy, đáng lẽ làm tranh giả phải “khôn hơn” một tí, làm tay nghề dại quá. Và nhiều tranh hiện tại vẫn còn treo tại Hà Nội vẫn cho vào đây được, người ta so sánh người ta thấy ngay những tranh này là tranh giả.
Bây giờ nhiều người có tài liệu, tư liệu chứng minh cho những điều ông Hubert đưa ra, và những điều chứng minh rõ ràng hơn, chắc chắn giữa tranh Tạ Tỵ và tranh Thành Chương đã là chứng minh hết sức rõ ràng, không cần phải nói nhiều.
Đối với tôi, trong nghề chúng tôi nghĩ rằng ông Hubert kia là người ngạo mạn, thách thức cả giới mỹ thuật Việt Nam để chứng minh rằng đấy là tranh giả thì ông “hơi bị liều”. Và tôi nghĩ rằng ông Vũ Xuân Chung phải yêu cầu ông Hubert cho biết mua từ ai.
Tôi có nghe tin. ông Hubert cho biết mua từ ông Hà Thu Cần. Ông Hà Thu Cần cũng là người đặt rất nhiều tranh giả, tranh chép tại Việt Nam. Trong những năm 90 ông Cần có làm một triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Singapore. Trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều tranh giả. Ngay cả bìa ông cũng cho tranh họa sĩ Lê Văn Miến là tranh Bình Văn lên bìa cũng là tranh chép rất cẩu thả, rất ẩu. Thế mà ông vẫn không nhận đó là bản copy. Ông làm như tất cả tranh chép đó là tranh thật và tôi cũng biết được, ông có bán được một số tranh như vậy.
Ông có thể cho biết ngoài Hà Nội tranh nào trùng với tranh trong triển lãm?
- Theo tôi được biết tranh Múa vòng của Nguyễn Sáng đang treo tại Cục Mỹ thuật. Tranh Nguyễn Du đi câu cũng đang còn. Có thể một vài bức nữa, điều đó tôi thấy ông Chung “quá dại”. Tôi nghĩ ông Chung cần kiện người bán tranh cho mình.
Ông nghĩ mình cần biện pháp mạnh nào khi việc tranh giả lại nghiêm trọng đến như vậy?
- Theo tôi nghĩ, vấn đề ông Chung có thể khởi kiện vì trong tay ông nắm những giấy tờ mà ông Hubert đã trao.
Ông Chung có thể làm được và yêu cầu người bán đưa ra mua của ai, bán đi bán lại như thế nào. Và ông có cớ gì để chứng minh được đó là tranh thật. Ở các nước, viện kiểm sát họ sẽ làm việc ngay nếu ông Chung khởi kiện.
Còn đối với các nước, việc làm tranh giả cũng giống như làm hàng giả. Mà làm hàng giả chỉ là một số tiền nào đấy, nhưng với tranh giả thì số tiền lớn, và đó quả là chuyện lớn.
Tất nhiên luật pháp Việt Nam đang lỏng lẽo, nhưng dần dần chúng ta cũng sẽ đi vào con đường chung của cả thế giới.
Việc kiện tranh giả tại Việt Nam trước nay chưa bao giờ có?
- Hiện tại đối với tranh giả Việt Nam chúng ta có nói đi nói lại, nhưng hiện tại chúng ta chưa xử lý được vụ nào.
Người Việt chúng ta hay tôn trọng người ngoại quốc nên đôi khi chúng ta cả tin, nể, sợ... mặc dù bao nhiêu chuyên gia của chúng ta thừa sức để trả lời, để chứng minh đó là tranh giả, và tôi ngạc nhiên tại sao Hubert lại liều lĩnh thách đố chúng ta như vậy.
Theo ông, sự việc lần này ảnh hưởng đến mỹ thuật Việt Nam chứ không chỉ đơn giản việc cá nhân bị lừa bán tranh?
- Đúng vậy. Tôi nghĩ chuyện này ảnh hưởng rất lớn đối với thị trường tranh Việt Nam và quốc tế. Rất nhiều cuộc đấu giá đã đưa tranh giả Việt Nam ra, và chính những người chứng thực là ông Hubert là người chứng nhận cho những tranh giả đấy là thật.
Và hiện nay, theo thông tin từ bạn bè, tôi cũng biết rằng ông Hubert đã bị kiện 2 lần về tranh giả. Và cũng có nghe tin việc ông bị đuổi khỏi Christie và Sothebys. Nhưng sau này được quay về lại, điều này chúng ta phải kiểm chứng lại.
Khi bạn tôi có gửi thư cho hãng Christie hỏi ông Hubert có phải là nhân sự của hãng không. Người ta trả lời rằng, trong danh mục chuyên gia của Christie không có tên ông Hubert, tra bảng nhân sự cũng không có. Nhưng, trong các cuộc tranh đấu giá, lại giới thiệu ông Hubert là chuyên gia expertise (thẩm định) tranh Việt Nam.
Và tôi khuyên các nhà sưu tập không nên tin hoàn toàn vào những chứng nhận đó mà chúng ta cần tham khảo những nhà chuyên môn và trước khi mua tranh cần phải tìm hiểu.
Băng Châu (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.