Họa sĩ Thành Chương liệu có kiện vụ bị làm giả tranh trắng trợn?

Thanh Hà (thực hiện) Thứ bảy, ngày 16/07/2016 17:23 PM (GMT+7)
Tiếp tục diễn biến về việc tác phẩm bị đem ra tại triển lãm tranh từ châu Âu về dưới tên của tác giả Tạ Tỵ, họa sĩ Thành Chương đã có cuộc trò chuyện với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Thưa họa sĩ Thành Chương, sau mấy ngày thông tin trên các báo về bức tranh của anh bị gắn tên người khác được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thì đến thời điểm hiện tại, diễn biến của sự việc ra sao, anh có thể cho biết?

- Nói vắn tắt, diễn biễn sự việc như sau: Sáng 15.7 tôi cùng vợ và một cố vấn người nước ngoài của chúng tôi tới bảo tàng để xem triển lãm bộ sưu tập đang gây chấn động giới mỹ thuật. Chấn động vì thông tin số lượng tranh nghi là giả quá lớn, 15/17 bức chứ không hề ít. Một cuộc triển lãm hiếm có của một nhà sưu tập tư nhân, gồm toàn các tác phẩm tranh mỹ thuật Đông Dương của các danh họa Việt Nam.

img

Họa sĩ Thành Chương

Người đầu tiên, chúng tôi gặp ở phòng triển lãm là ông Vũ Xuân Chung, chủ nhân bộ sưu tập. Khi bà xã đứng trò chuyện với ông Chung về triển lãm, thì tôi đi xem tranh trước.Tôi không tin vào mắt mình khi đột nhiên thấy bức tranh của mình trước mặt, và trên đó tên tác giả lại là Tạ Tỵ 52 (tức là 1952).

Nhìn đi nhìn lại vẫn không tin nổi. Tôi báo cho vợ biết, nhưng không báo cho ông Chung. Vợ hỏi đi hỏi lại anh nhớ chính xác chứ, vì vấn đề nghiêm trọng đấy. Tôi bảo, chính xác 100%, anh vẽ khoảng năm 70-71. Còn nhớ vẽ chất liệu gì, như thế nào, đây này… tôi chỉ cho vợ xem. Chúng tôi thống nhất nhanh là phải thông báo cho ban lãnh đạo bảo tàng ngay về việc này. Chúng tôi còn đề nghị bảo tàng nên lập biên bản ghi lại sự việc, ghi âm, ghi hình tuyên bố của tôi, tôi ký và chịu trách nhiệm đàng hoàng, rõ ràng. 

Bảo tàng rất thiện chí và vui mừng khi bỗng nhiên có một nhân chứng sống xuất hiện, giải toả phần nào sự nghi ngờ trước đó về độ trung thực của bức tranh này. Mối nghi ngờ là tranh thì thật mà chữ ký tác giả có vẻ không thật.Trông như mới được viết vào. 

Tôi cũng gọi điện trực tiếp thông báo đến Cục Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng chưa thông báo cho ông Vũ Xuân Chung biết. 

Tối cùng ngay chúng tôi đề nghị bảo tàng mời ông Chung đến bảo tàng vào sáng hôm sau, ngày 15.7, mục đích là để chính tôi sẽ thông báo với ông sự kiện này tuy nhiên ông Vũ Xuân Chung lấy lý do bận vào phút cuối, đã không đến. 

Chiều nay tôi sẽ kiểm tra lại các bản lưu trữ. Tôi hy vọng là còn giữ. Vì thời kỳ đó tôi vẽ kiểu này khá nhiều. Song song với đó, tôi cũng thấy cần gửi đơn kiến nghị tới Cục Mỹ thuật Việt Nam, và Bảo Tàng TP HCM, yêu cầu bảo vệ và giữ bức tranh này lại như là bằng chứng, căn cứ cho một vụ việc cần phải điều tra khoa học. Nếu không hết triển lãm, tranh lại được mang về thì không được. 

Trưa nay, 16.7 anh Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc bảo tàng đã gọi điện trao đổi với tôi.Tôi cũng đã nói ý này với anh ngay để có hướng giải quyết chặt chẽ. 

Sắp tới ngày 19.7 phía Bảo tàng sẽ tổ chức cuộc gặp mặt các nhà chuyên môn có sự tham gia để đánh giá lại toàn bộ các tác phẩm đang trưng bày này. Nếu không có gì thay đổi, vợ chồng tôi sẽ phải có mặt tham dự. 

Thưa anh, anh có thể chia sẻ cụ thể anh đã tìm được những cứ nào để chủ động chứng minh bức họa đó là của mình?

- Bức tranh được tôi sáng tác vào khoảng năm 1970-1971. Tôi vẽ người bạn gái thân lúc đó tên Kim Anh. Cô cũng là hoạ sĩ, hiện đang sống tại TP HCM. Đó là giai đoạn phong cách của tôi ảnh hưởng của Paul Cezanne và Braque - những danh họa thời kỳ tiền chủ nghĩa lập thể.

 Và xin nói, đây không phải là tranh trừu tượng. Tên tranh này không phải do tôi đặt. Ai đó đặt tên là “Trừu tượng” là không hiểu biết gì.Tôi biết rõ tôi vẽ bằng chất liệu gì, ra sao.Nếu các bạn được xem tranh của hoạ sĩ Tạ Tỵ, các bạn sẽ thấy 2 phong cách là khác nhau. 

Vậy sau khi đã xác định rõ ràng bức họa đó là của anh, liệu anh có khởi kiện?

- Chúng tôi chưa quyết định sẽ kiện hay không. Tôi nghĩ ông Chung là người thiệt hại đầu tiên và to lớn về vật chất và uy tín. Nếu ông là nạn nhân của một trò lừa đảo thì ông nên là người đầu tiên khởi kiện để lấy lại công bằng. 

Chúng tôi hoàn toàn độc lập trong việc tìm lại tên tuổi cho bức tranh. Và kính đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, để mong tìm ra sự thật, ai là ai, như thế nào, ra sao? 

Ở đây sẽ là việc lấy lại uy tín không chỉ của cá nhân tôi, mà còn là uy tín của người giám định tranh là ông Jean François Hubert - chuyên viên thẩm định tranh Việt Nam của nhà đấu giá nghệ thuật Christie’s Hong Kong, của chủ nhân bộ sưu tập, của bảo tàng, cao hơn nữa là thể diện quốc gia, là uy tín của Mỹ thuật Việt Nam.

Nếu không yêu cầu khởi kiện, anh có nghĩ đến giải pháp bồi thường về kinh tế?

- Hiện giờ trong đầu tôi không có chữ tiền bạc nào. Tôi chỉ muốn xác định ai đã làm như vậy.  Ông Chung mới là người nên nghĩ đến việc đòi bồi thường. 

Một lần nữa vấn đề bản quyền cho những tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam lại gặp chuyện.Theo anh, sau sự việc này, liệu có những biện pháp nào để bảo toàn cho những đứa con tinh thần khác của mình?

- Ở Việt Nam, chẳng có cái gì đến nơi đến chốn. Mà có muốn cũng chẳng được. Hiện nay, hoạ sĩ thường cung cấp ngay bản chứng nhận có chữ ký tươi của mình kèm theo mỗi tranh. Chỉ có thế thôi.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem