Theo Bộ Xây dựng, Bộ này đã nghiên cứu xử lý các kiến nghị của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp gửi.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1.7.2015; và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99), quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 10.12.2015.
Nghị định 99 yêu cầu Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh phải dựa trên các văn bản hướng dẫn Văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19.4.2017 của Bộ Công an và Văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19.10.2016 của Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các Sở Xây dựng cấp tỉnh xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện các Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa thực hiện sát sao việc xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở và công bố các thông tin đó lên mạng. Điều này dẫn đến hệ lụy là các tổ chức, cá nhân nước ngoài mong muốn mua nhà ở tại Việt Nam lo ngại, chưa bỏ tiền ra mua, sở hữu nhà ở trong nước.
Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài chưa sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ Xây dựng, còn hạn chế khác về mặt kỹ thuật đối với việc đăng ký quyền sở hữu nhà: Số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30%, nhưng Bộ Xây dựng và các sở Xây dựng ở địa phương chưa áp dụng hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định.
Bộ Xây dựng cho rằng sở Xây dựng cấp tỉnh nên làm việc chủ động hơn với các UBND để giải quyết sớm các vấn đề bằng cách công bố danh sách các dự án mà người nước ngoài không được quyền sở hữu nhà ở.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc công khai các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có việc đôn đốc trách nhiệm của Sở Xây dựng các địa phương thực hiện.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, so với quy định trước đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã mở thêm lối ra cho thị trường bất động sản, với khung pháp lý cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam khá hoàn thiện. Đối tượng mua nhà ở được mở rộng.
Theo đó, cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, là được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Loại nhà ở được sở hữu cũng mở rộng, từ căn hộ chung cư đến nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Thời gian sở hữu nhà ở tối đa 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, và có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, thay vì không được gia hạn như quy định cũ...
Tuy nhiên, sau năm 5 triển khai, chủ trương này vẫn gặp phải một số vướng mắc nhất định về thủ tục, hồ sơ… do đó, sức mua chưa được như kỳ vọng. Thị trường bất động sản trong khu vực như Thái Lan, Philippines đã mở cửa cho người nước ngoài khá lâu, mức độ phát triển của họ về kinh tế cũng như bất động sản đã đi trước Việt Nam. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài khi quan tâm đến bất động sản sẽ có sự so sánh giữa thị trường Việt Nam với các quốc gia khác về mức độ phát triển sản phẩm, vị trí địa lý, hoạt động đầu tư... có dễ dàng hay không.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.