Bộ Y tế chấn chỉnh thực hiện y đức: Bác sĩ mong được “minh oan”

Thứ ba, ngày 01/04/2014 07:12 AM (GMT+7)
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 07 Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế nhằm “xốc” lại y đức, xoa dịu bức xúc dư luận về ngành y trong thời gian qua.
Bình luận 0
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ riêng các y bác sĩ thực hiện y đức chưa đủ, nếu dồn ép quá, khiến bác sĩ “cảnh giác” thì người chịu thiệt chính là bệnh nhân.

Thái độ gây hiểu lầm

Chỉ trong hơn 2 tháng hoạt động, đường dây nóng của Bộ Y tế đã nhận được hơn 900 cuộc gọi phản ánh về thái độ ứng xử hách dịch, thiếu chu đáo hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm của các y - bác sĩ… Trong đó, có không ít phản ánh bức xúc do những hiểu nhầm không đáng có. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã nhận định, thái độ ứng xử của y bác sĩ là “điểm nóng” gây bức xúc cho người bệnh.

Do đó, giải pháp hàng đầu để lấy lại niềm tin cho ngành y tế là thay đổi thái độ ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 07 nhằm “luật hóa y đức”, giúp cho lãnh đạo các bệnh viện có thêm công cụ để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm kỷ luật.

Đón tiếp bệnh nhân tại Đơn vị Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).
Đón tiếp bệnh nhân tại Đơn vị Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).

Thông tư 07 nêu rõ những việc phải làm của các công chức, viên chức này đối với người đến khám bệnh, người bệnh cũng như gia đình bệnh nhân như: Niềm nở đón tiếp, tận tình hướng dẫn các thủ tục cần thiết; Khám bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chi trả của người bệnh; Hướng dẫn dặn dò người bệnh về sử dụng thuốc, chế độ chăm sóc, theo dõi diễn biến bệnh...

Đối với người bệnh có chỉ định phẫu thuật phải thông báo, giải thích về tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật. Ngoài ra, cán bộ y tế không được lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi; không được gây khó khăn, thờ ơ đối với người bệnh… Nếu vi phạm, cán bộ y tế có thể bị phê bình, cắt thưởng, không xếp loại thi đua hoặc điều chuyển công tác.

Ông Giàng A S (52 tuổi, người dân tộc Dao, Cao Bằng) cho biết, ông bị ung thư vòm họng, đang điều trị tại Bệnh viện K T.Ư. Nhà nghèo, đi lại và ăn ở tốn kém nên ông cũng chỉ xuống Hà Nội chữa bệnh một mình, tiếng Kinh không sõi, cũng ít hiểu biết. Ông rất lo lắng về bệnh tình của mình, nhưng khi hỏi các y bác sĩ, họ cứ nói “tằng tằng” làm ông không hiểu được. Ông hỏi lại thì lại bị bác sĩ gắt gỏng: “Hỏi lắm thế, sức đâu mà trả lời”. Vì thế, theo ông S, nếu có quy tắc yêu cầu bác sĩ phải giải thích cặn kẽ về bệnh tật cho bệnh nhân thì ông mừng lắm.

TS Trần Văn Thuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện K băn khoăn là ở nhiều bệnh viện nói chung và Bệnh viện K T.Ư nói riêng bác sĩ phải khám hơn 100 bệnh nhân/ngày, không thể có thời gian giải thích cặn kẽ về bệnh tật, hướng dẫn điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ cũng mệt mỏi, căng thẳng. Còn người bệnh khi phải chờ đợi lâu, sức khỏe đã ốm lại mệt mỏi thêm, tâm lý càng ức chế, cáu gắt. Do đó, người bệnh dễ hiểu lầm, bực bội về thái độ ứng xử của bác sĩ. Nếu cứ “quy chuẩn” như Thông tư 07 và cho rằng bác sĩ “không nhiệt tình” với người bệnh thì bác sĩ oan quá.

Bác sĩ ngại, bệnh nhân thiệt

TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, tất cả các điều nêu trong Thông tư 07 đều tốt cả. Tuy nhiên, những cái tốt đó có phù hợp với môi trường hiện nay không thì lại là vấn đề khác. “Các vấn đề thái độ với người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh... muốn được cải thiện thì một thông tư như Thông tư 07 chỉ nên xem là “thêm một yếu tố” thúc đẩy mà thôi” – TS Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, nếu như các “yếu tố nền” chưa được điều chỉnh, y tế công vẫn ở thế độc quyền, giám sát đánh giá vẫn chỉ có “nội bộ”... thì tác dụng của Thông tư 07 sẽ chỉ mang tính nhất thời. “Thậm chí dùng áp lực hành chính buộc thi hành, lại có thể đưa thêm nguy cơ gây ra một môi trường làm việc vốn đã căng thẳng do tính chất nghề nghiệp, lại trở nên căng thẳng hơn nữa” – ông Tuấn cho biết.

"Bác sĩ ở nhiều bệnh viện nói chung và Bệnh viện K T.Ư nói riêng phải khám hơn 100 bệnh nhân/ngày, không thể có thời gian giải thích cặn kẽ về bệnh tật, hướng dẫn điều trị...”.
Bác sĩ Trần Văn Thuấn

Bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng Đơn vị Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, từ một số vụ việc tiêu cực trong ngành y, dư luận đang có chiều hướng quy chụp, “vơ đũa cả nắm” về sự xuống cấp y đức, khiến cho người dân càng ngày càng nhìn nhận xấu xí về ngành y.

Điều này khiến các bác sĩ cũng trở nên thận trọng, phải đặt sự an toàn của mình lên trên hết. Có khi các bác sĩ sẽ chọn giải pháp an toàn, từ chối các ca khó với lý do không thể cãi là “vượt quá khả năng chuyên môn”. Như thế, thiệt thòi sẽ thuộc về bệnh nhân.

“Đừng đặt người thầy thuốc khi hành nghề ở vào trạng thái luôn coi “nguời bệnh là nguồn thu”, cơ sở y tế trở thành nơi “làm tiền. Chỉ nên để các bác sĩ làm việc chuyên môn, dựa trên các quy định chuyên môn, phán xét chuyên môn. Làm được như vậy tự khắc ứng xử của người thầy thuốc trong cơ sở y tế công sẽ đi theo điều mọi người mong đợi! Quy định, thông tư... chỉ là yếu tố thêm vào mà thôi”.
TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng


“Nếu bác sĩ phải đối xử niềm nở, không gây khó khăn, không đối xử thờ ơ, giải thích tận tình, động viên chu đáo với bệnh nhân thì mừng quá. Vì mình ở quê, bệnh nặng, vừa lo lắng, vừa không hiểu gì về thuốc thang, bệnh tật nên trăm sự đều phải nhờ y, bác sĩ và y tá. Nhiều lúc bác sĩ vì bận quá, mệt quá mà cáu gắt mình thì mình cũng phải chịu, nhưng mà tủi thân lắm. Nhưng thông tư quy định thế thôi chứ lấy ai là người giám sát xem cán bộ y tế có thực hiện đúng luật hay không. Bệnh nhân thì không mấy ai dám tố cáo rồi vì còn phải nhờ cậy bác sĩ. Bệnh viện vừa là người thực hiện, vừa kiểm tra, vừa ra kỷ luật thì làm sao nghiêm được”.
Bà Lê Thị Hà (Hà Nam, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Mắt T.Ư)


Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem