Bóc gỗ rừng tự nhiên ra bán (Kỳ 1): Mở đường vào rừng đốn gỗ
Bóc gỗ rừng tự nhiên đem đi bán ở Lạng Sơn (Bài 1): Ngang nhiên mở đường vào rừng đốn gỗ như "vòi bạch tuộc"
Gia Tưởng
Thứ năm, ngày 12/08/2021 15:40 PM (GMT+7)
Người dân sáng vác cưa vào rừng, chiều chở gỗ về bằng xe ô tô, phục vụ gần 20 xưởng bóc gỗ trên địa bàn huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Nhiều năm qua, rừng tự nhiên bị bóc mỗi ngày, sự vào cuộc của chính quyền và lực lượng kiểm lâm chỉ như chiếu lệ.
Huyện Bình Gia thuộc diện kinh tế khó khăn nhất nhì tỉnh Lạng Sơn, nhiều xã trong huyện chưa có đường nhựa, đời sống của người dân còn nhiều vất vả.
Nhưng họ được các chủ xưởng gỗ ứng tiền để mở đường vào những khu rừng được nhà nước giao, cưa cây rừng mang bán.
Phá rừng tự nhiên ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
Lời kêu cứu từ rừng
Chúng tôi được một bạn đọc chủ động liên lạc để phản ánh về tình trạng người dân ở một số xã ở Hòa Bình, Thiện Long, Thiện Thuật (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) khai thác rừng trái phép để bán cho các xưởng bóc gỗ.
Nguyên văn lời bạn đọc liên lạc với chúng tôi như sau: Khoảng năm 2017, một số hộ dân ở địa phương bắt đầu đầu tư máy móc để bóc gỗ. Lúc đầu, họ chỉ cưa rừng trồng là cây keo, cây mỡ… để bóc.
Nhưng lượng gỗ rừng trồng quá ít, lại không năng suất vì thân cây quá nhỏ, nên họ chuyển qua cưa gỗ rừng tự nhiên. Từ đó cho đến nay, tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để bán cho các xưởng gỗ ngày một phổ biến.
Để khẳng định cho việc mình nói là đúng sự thật, bạn đọc còn gửi cho chúng tôi hình ảnh người dân cưa gỗ rừng tự nhiên thành từng khúc, nằm ngổn ngang, la liệt khắp rừng.
Nhìn hình ảnh, chúng tôi biết trong đó có nhiều khúc gỗ là gỗ dẻ, chò chỉ... có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
"Khi thấy rừng bị "đốn hạ", tại sao anh không cung cấp thông tin cho lực lượng kiểm lâm, hay chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này?"
Được biết, anh đã báo tin, đưa các cán bộ đến các điểm phá rừng, những con đường dân tự phát mở để cho xe ô tô chở gỗ từ rừng về xưởng bóc…
Không cam tâm với việc rừng quê mình cứ từng ngày từng giờ bị tàn phá, anh tiếp tục tìm đến cơ quan báo chí để phản ánh.
Khi chúng tôi tiếp nhận thông tin, bạn đọc đã dặn đi dặn lại: "Các anh bí mật hộ em và gia đình với. Nếu lộ ra em là người cung cấp thì phiền hà lắm, khó sống với các chủ xưởng bóc. Họ toàn tai to mặt lớn, có cả một số người đi tù về cũng tham gia. Và cũng khó sống với các lực lượng khác, vì em là người địa phương còn sinh sống ở đây, không đi đâu kiếm ăn được".
Những vòi bạch tuộc giữa rừng
Từ TP.Lạng Sơn, chúng tôi tìm về khu vực xã Thiện Long, Thiện Thuật, và Hòa Bình của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Cung đường khoảng 100km vô cùng thuận tiện, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi phải tìm chỗ tránh để nhường đường cho những xe container chở ván bóc đi tiêu thụ.
Người thông tin và đón chúng tôi đi tìm hiểu về tình trạng phá rừng ở Bình Gia có tên D.
Thấy tôi nai nịt đầy người đồ nghề chuẩn bị trèo núi luồn rừng, D bảo: "Ở đây không phải đi bộ đâu, xe máy phóng đến tận nơi cưa gỗ. Bà con phá rừng 'chuyên nghiệp' lắm, mở đường cho cả ô tô đi lên núi chở gỗ về rồi, công khai như đi thu hoạch lâm sản chứ có phải như mấy ông đi cưa cây trộm đâu mà phải luồn cúi, leo trèo".
Đứng ở ngoài đường nhựa theo hướng đi Na Rì - Bắc Kạn, chúng tôi gặp khá nhiều lối mở đâm ra. Thấy lạ, tôi hỏi D, bà con ở đây kinh tế phát triển, mỗi nhà mở một con đường vào nhà mình?
D cười chua chát, hỏi tôi có nghe thấy tiếng cưa máy không? Cứ đi theo những lối mở này là gặp ngay những người dân đang cưa gỗ.
Sau đó, chúng tôi rẽ vào một con đường mà vết bánh xe ô tô còn khá mới ở xã Thiện Thuật. Chỉ sau mấy con dốc trơn trượt vì trời mưa, trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng tan hoang.
Hàng loạt những cây rừng lớn nhỏ bị đốn hạ nằm ngổn ngang, những vết gàu múc đất còn đỏ tươi… Gần đó, tiếng cưa máy đang khét lèn lẹt như tiếng của những con quái thú đang "ăn" rừng.
D cho biết, đây là những con đường mà người dân tự thuê máy xúc làm, với giá thành khoảng 30 triệu/km.
Từ năm 2017, khi những xưởng bóc gỗ ở khu vực các xã có nhiều rừng như Hòa Bình, Thiện Long, Thiện Thuật mọc lên, nhiều kilomet đường như thế này được xẻ. Hàng chục con đường như những vòi bạch tuộc vươn vào rừng.
"Ở đây chỉ là núi đất, rất ít núi đá, nên một chiếc máy xúc làm bình thường cũng chỉ mất khoảng 5 ngày. Chi phí độ 6 triệu tiền dầu và 5 triệu tiền công lái máy là có thể làm xong 1km đường như vậy, đảm bảo ô tô chở 12 khối gỗ vận hành ngon lành," D kể.
Nếu chưa vào rừng và tận mắt chứng kiến, có lẽ không ai có thể tin được những cánh rừng tự nhiên ở Bình Gia đang ngày đêm bị "xẻ thịt".
Còn "lâm tặc" lại chẳng phải ai xa lạ, mà chính là những chủ rừng được nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.