Bóc gỗ rừng tự nhiên đem đi bán ở Lạng Sơn(Bài 3): Có hay không việc "bảo kê" khai thác rừng tự nhiên?

Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 15/08/2021 14:20 PM (GMT+7)
Việc bóc gỗ rừng tự nhiên ra bán có “người thật, việc thật”. Vậy nhưng thật khó để thuyết phục được những người có chức năng giữ rừng ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn rằng: Rừng tự nhiên đang bị phá trái phép.
Bình luận 0

Phải "làm luật"?

Đã từng là một chủ xưởng gỗ bóc, Cương (36 tuổi) thành thật với chúng tôi: "Đầu tiên em nghĩ cũng đơn giản, bao nhiêu anh em làm thì mình cũng đầu tư mua máy về sản xuất theo họ thôi.

Nhưng khi vừa mua được 3 xe gỗ, chạy máy chưa được 2 tiếng, xưởng của em đã bị tổ kiểm tra liên ngành tới lập biên bản, đình chỉ hoạt động rồi. Từ đó xưởng thường xuyên bị kiểm tra khiến em rất nản, tưởng là phá sản đến nơi vì không có có nguồn gỗ đầu vào".

Cương chia sẻ, tìm hiểu ra mới biết, xưởng bóc gỗ bị kiểm tra liên tục do Cương chưa biết "ăn ở". Qua các chủ xưởng khác giới thiệu, Cương biết có một người tên T, sống ở thị trấn Bình Gia, chuyên làm công tác "lo luật".

Kỳ 3 Sự trả lời khó hiểu ? - Ảnh 1.

Những tấm ván bóc đợi xuất bán. (Ảnh: Gia Tưởng)

Các chủ xưởng bóc nếu muốn êm chuyện làm ăn, hàng tháng cứ việc nộp từ 7- 20 triệu đồng cho T, tùy theo công suất của mỗi xưởng.

Cương không biết ông T là người của ai, đại diện cho đơn vị nào. Chỉ biết rằng, ông T đã nhiều lần khoe có quen với các đơn vị chức năng quản lý rừng, môi trường, kinh tế. Ai muốn làm xưởng bóc gỗ đều phải "qua cửa" ông T này.

Mà sự thật đúng như ông T nói. Cứ mỗi lần có đoàn kiểm tra ở huyện về, ông T đều báo trước để các chủ xưởng bóc gỗ biết cách đối phó.

Ví dụ như không đưa gỗ tự nhiên ở rừng về, hay nhập tạm vài xe gỗ keo, gỗ bạch đàn làm phép để bóc,… Khi các đoàn kiểm tra rút, các xưởng lại dùng gỗ tạp ở rừng tự nhiên đưa về để bóc như thường.

Việc nộp "phí" cho ông T là luật bất thành văn mà các xưởng gỗ bóc đều phải ngoan ngoãn thực hiện, nếu muốn làm ăn yên ổn.

Kiên quyết xử lý nhưng vẫn có tình trạng lấn sang rừng tự nhiên

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Bình Gia và ông Cao Xuân Cường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia.

Cả hai lãnh đạo đều xác nhận, tình trạng bà con tự ý mở đường vào khai thác lâm sản đã xảy ra nhiều năm nay. Bà con lợi dụng khai thác gỗ trong khu vực rừng trồng, rồi lấn sang khu vực rừng tự nhiên. Đây là vấn đề cả kiểm lâm và chính quyền đều biết nhưng chưa có cách nào ngăn chặn triệt để.

Liên quan đến việc các xưởng bóc gỗ phải đóng "phí" bảo kê để hoạt động yên ổn, cả hai lãnh đạo đều phủ nhận, không biết đối tượng T, không có bất kỳ liên lạc với đối tượng T như người dân phản ánh.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia phủ định việc người dân đang cưa rừng tự nhiên để bóc gỗ bán mỗi ngày.

"Do một số cây bà con trồng hàng chục năm trước, có tên giống với cây rừng tự nhiên như dẻ, sau sau... Nên khi bà con khai thác về làm ván bóc thì dễ gây hiểu lầm, thực tế thì không phải cây rừng tự nhiên", ông Cao Xuân Cường nói.

Kỳ 3 Sự trả lời khó hiểu ? - Ảnh 2.

Ông Cao Xuân Cường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia và ông Bùi Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Bình Gia trả lời về thông tin phá rừng tự nhiên. (Ảnh: Gia Tưởng)

Ông Cường cũng cho biết, ván bóc mà bà con phơi trắng đường có thể do các chủ xưởng mua gỗ ở huyện Na Rì, Bắc Kạn về, không phải là gỗ ở rừng Bình Gia.

"Các xưởng bóc gỗ của huyện Bình Gia đều rất nhỏ lẻ, không có nguyên liệu thường xuyên, hoạt động cầm chừng theo mùa vụ. Các xưởng này đều được kiểm lâm tham mưu cho UBND cấp phép chế biến lâm sản, có khoảng 15 xưởng bóc gỗ đang hoạt động tại một số xã trong huyện," ông Cường giải thích.

Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia, công tác quản lý rừng ở Bình Gia rất vất vả do thiếu lực lượng kiểm lâm. Toàn hạt có 8 cán bộ, trong đó có 2 người làm công tác hành chính. Mỗi cán bộ kiểm lâm phải quản lý hàng chục hecta rừng, nên đôi khi không theo sát tình hình tại thực địa cơ sở.

Trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia đã xử lý 24 vụ khai thác rừng trái phép, xâm phạm đất rừng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, hạt kiểm lâm cũng bắt 1 xe ô tô vào huyện Bình Gia thu mua gỗ ván bóc có nguồn gốc tự nhiên.

"Vậy Hạt Kiểm Lâm huyện Bình Gia đã xử lý được bao nhiêu xưởng bóc gỗ đã sử dụng gỗ rừng tự nhiên?"

Trả lời câu hỏi, ông Cường cho biết, việc kiểm tra các xưởng gỗ này đều phải có kế hoạch và theo quy định của nhà nước. Hằng năm, đơn vị vẫn tiến hành kiểm tra, nhưng chưa phát hiện được trường hợp nào vi phạm đáng kể.

Còn ông Bùi Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Bình Gia thì khẳng định, quan điểm của huyện là bảo vệ rừng nghiêm ngặt, kiên quyết không bao che, dung túng cho hành vi phá rừng.

Hiện nay, cơ chế giao rừng cho bà con khoanh nuôi, bảo vệ, mà bà con ít được hưởng lợi từ rừng. Do vậy, rất khó ngăn chặn triệt để những hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ rừng.

Trên thực tế PV đã thâm nhập, khảo sát lại cho thấy, rừng tự nhiên ở Bình Gia đang bị chặt hạ đưa vào các xưởng bóc gỗ. 

Với câu trả lời của chính quyền địa phương và kiểm lâm như trên, liệu những cánh rừng tự nhiên ở Bình Gia sẽ còn tồn tại bao lâu?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem