Bóc ngắn cắn dài

Thứ sáu, ngày 01/11/2013 09:22 AM (GMT+7)
Báo cáo của Bộ Công Thương trước Quốc hội mới đây về tình hình trồng rừng của các chủ dự án thủy điện khiến không ít người quan tâm đến môi trường sinh thái phải rầu lòng.
Bình luận 0
Phá 20.000 ha rừng để làm thủy điện nhưng chỉ trồng lại được 735 ha! Dĩ nhiên, các chủ dự án thủy điện khi lập luận chứng kinh tế kỹ thuật về công trình mà họ sẽ triển khai đều không quên nhấn mạnh và cam kết sẽ trồng lại đủ số diện tích rừng mà họ đã chặt phá để làm thủy điện. Và, cũng dĩ nhiên, các bộ ngành liên quan đều gật đầu đồng ý cho phép.

Việc trồng lại rừng bằng số diện tích đã mất là điều không thể vì không biết lấy đất đâu để trồng. Nhưng điều đáng nói là, không ít dự án thủy điện đã “té nước theo mưa”, không những không trồng lại đủ số diện tích bị phá mà còn “phá thêm” rừng.
Theo Bộ NN&PTNT tính đến hết năm 2012, có khoảng 20.000 héc ta đất rừng bị mất do đập thủy điện (Nguồn ảnh: KTSG)
Theo Bộ NN&PTNT tính đến hết năm 2012, có khoảng 20.000 héc ta đất rừng bị mất do đập thủy điện (Nguồn ảnh: KTSG)

Tình trạng “bóc ngắn cắn dài” này không chỉ xảy ra ở các dự án thủy điện mà hầu như ở rất nhiều dự án khác. Các dự án khai thác titan dọc các tỉnh miền Trung, trong đó có ở Bình Đình cũng rơi vào tình trạng “xin ít, phá nhiều”. Chỉ đến khi người dân phản đối quyết liệt thì cơ quan thanh tra mới kiểm tra và phát hiện là doanh nghiệp không tuân thủ các quy định đã cấp trong giấy phép. Nhưng đã muộn, hàng ngàn cây phi lao trên 30 năm tuổi chắn cát đã “bốc hơi” chỉ sau vài đêm do đơn vị khai thác titan chặt phá.

Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi cho phép Công ty Trường Phát Lộc được nạo vét cửa sông Trà để tàu đánh cá ra vào dễ dàng, nhân tiện “tận thu cát nhiễm mặn” bán sang Singapore. Thay vì di chuyển tàu hút cát trải đều trên cả cửa sông, Công ty này đã “tiết kiệm dầu” bằng cách để tàu đứng yên một chỗ, hút cát theo kiểu “đào hàm ếch”, giấy phép cho phép đào sâu 9 mét thì “nhấn” thêm 20 mét nên mới có chuyện hàng chục hồ tôm hỏng chân bị trôi ra biển. Khi người dân kéo về huyện Tư Nghĩa phản đối, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đứng ra xin lỗi dân thì không kịp cứu các đìa tôm nữa rồi.

Tình trạng “làm lấy được”, bất chấp mối nguy hại cho người khác là rất phổ biến hiện nay. Tất cả những trò gian lận này, các cơ quan chức năng đều biết cả, song không phải ngành nào cũng kiểm tra và xử phạt nghiêm minh. Cũng có thể là cơ quan chức năng ấy vô trách nhiệm nhưng cũng rất có thể họ đã “há miệng mắc quai” rồi. Rút cục, người chịu thiệt trong các vụ “bóc ngắn cắn dài” ấy là người dân chứ không ai khác.
Hà Nhiên (Hà Nhiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem