Bơi khoả thân cũng là hoạt động thể thao mang tính khiêu dâm, sẽ bị xử phạt

Huy Hoàng Thứ bảy, ngày 03/08/2019 07:34 AM (GMT+7)
Theo ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL, những hoạt động có tổ chức do cá nhân, đơn vị tổ chức tại các bãi tắm, trong đó người đến bơi có hành vi phản cảm như khoả thân cũng sẽ bị xử phạt.
Bình luận 0

Mấy ngày nay người dân đang bàn tán xôn xao về Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, khoản 1 Điều 7 Nghị định này quy định hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trước thắc mắc của người dân thế nào thì được gọi là mang tính chất khiêu dâm, đồi truỵ, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL đã trao đổi với Dân Việt.

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Nghị định 46 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8 đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đó. Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng phối hợp với Thanh tra văn hoá địa phương mời chủ các CLB lên để phổ biến về Nghị định. 

“Vì vậy, tất cả các hoạt động trên địa bàn các tỉnh, địa phương sẽ được giám sát, phát hiện, xử phạt bởi thanh tra ngành văn hoá du lịch, thanh tra của các ngành. Khi phát hiện các trung tâm hoạt động thể thao, các CLB thể thao có biểu hiện vi phạm thì cứ theo luật quy định được quyền xử lý. Trong trường hợp người phát hiện không thuộc thẩm quyền xử lý thì có thể chuyển cho thanh tra văn hoá để họ xử lý.

Nếu trung tâm hoạt động thể thao, các CLB chưa rõ về hoạt động mang tính khiêu dâm, đồi truỵ thì có thể cung cấp hình ảnh, video cho cơ quan Bộ VHTTDL, Thanh tra Bộ sẽ mời các chuyên gia đánh giá qua các bằng chứng để xác định mức độ vi phạm.

img

Bơi khỏa thân trong các hoạt động thể thao có tổ chức cũng có thể bị xử phạt

Trước câu hỏi, như thế nào thì được gọi là tập thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, trong Nghị định 178, Thông tư 09  đã quy định rất rõ. Tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có định nghĩa: Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.

Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/08/2010 của Bộ VHTTDL (đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014) cũng định nghĩa: “Khiêu dâm” được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khoả thân, mô tả khoả thân hoặc không khoả thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức. “Đồi truỵ” được hiểu là hành vi dùng những hình ảnh loã lồ, ngôn ngữ thô tục, quan hệ tình dục giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên.

“Tuy nhiên như trước đó tôi đã từng trả lời báo chí, việc này khá tế nhị, bởi văn hoá của Việt Nam là văn hoá phương Đông. Nên quy định đưa ra chỉ tương đối, mục đích chính là răn đe”, ông Phạm Xuân Phúc nói.

Nhưng theo ông Phúc, việc Thanh tra Bộ đi kiểm tra định kỳ đôi khi không phản ánh hết được thực tế, bởi khi biết thông tin Thanh tra Bộ đi kiểm tra, họ sẽ đối phó nên khó phát hiện và xử phạt kịp thời. Nên nhiều khi cần nhờ tới sự phát hiện của báo chí, giám sát của người dân, của chính quyền địa phương.

Trước những ý kiến thắc mắc về hiện tượng tắm khoả thân tại bãi tắm sông Hồng, ông Phúc cho hay, bãi tắm sông Hồng là bãi tắm tự do, người dân có thể ra tắm. “Nếu bãi tắm sông Hồng được đưa vào tổ chức hoạt động của cá nhân hay đơn vị nào đó, có thu tiền kinh doanh mà để người dân đến tắm với hình ảnh phản cảm khoả thân thì lúc đó thanh tra văn hoá sẽ vào cuộc xử phạt.

Còn chỉ là người dân thấy nóng, tự ra tắm thì đó là sinh hoạt bình thường của người dân. Điều này lại cần nghiên cứu trong quy định ăn mặc phản cảm, thuần phong mỹ tục trong đời sống xã hội. Ví dụ như Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm tại Liên hoan phim Cannes, thì đó thuộc hành vi ăn mặc phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trong đời sống xã hội. Nghị định này đang nói là trong những hoạt động thể thao, các CLB thể thao, thể dục dưỡng sinh, aerobic, yoga… hoặc tại bể bơi kinh doanh có một người thản nhiên không mặc quần áo nhảy xuống tắm thì bị xử phạt”, ông Phạm Xuân Phúc cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem