Bội thu với đồng lúa hữu cơ

Khải Phong Thứ sáu, ngày 05/09/2014 08:17 AM (GMT+7)
Nông dân Hoà Tiến (Hoà Vang, Đà Nẵng) vừa thu hoạch xong cánh đồng lúa hữu cơ vụ hè thu. Đây là vụ thứ 3 liên tiếp, bà con có được niềm vui bội thu từ cánh đồng này.
Bình luận 0

Đóng góp cho nông thôn mới

Ông Đặng Văn Quang – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hoà Tiến, người tham gia 7 sào lúa hữu cơ, cho biết: “Năng suất bình quân của cả cánh đồng (rộng 10,5ha) là 5,5 tấn/ha. 7 sào của tôi được đúng 2 tấn lúa bán được 16 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, kể cả công lao động, thì có lãi ròng 8 triệu đồng”.

Không chỉ ông Quang mà cả 103 hộ tham gia trồng lúa hữu cơ vụ này đều phấn khởi. Đây là lần thứ 3, họ có tiền lãi từ trồng lúa trong khi trước kia làm lúa thường, bà con chỉ mong lấy công làm lời.

Người vui nhất vụ này là ông Nguyễn Phú Ban – Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng. Mặc dù không tham gia trồng sào lúa hữu cơ nào nhưng ông vui vì là người đưa cánh đồng lúa hữu cơ về Đà Nẵng. “Cánh đồng lúa hữu cơ này là sản phẩm liên kết giữa Hội ND TP.Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Nông sản Hữu cơ Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm, trụ sở 50 Phú Mộng, phường Kim Long, TP.Huế). Bắt tay với Tập đoàn Quế Lâm, Hội muốn xây dựng một mô hình sản xuất lúa có tính hàng hoá cao, vừa sạch môi trường vừa mang lại lợi nhuận hơn hẳn các giống lúa thường cho ND. Đây là một đóng góp của Hội cho Chương trình xây dựng nông thôn mới Hoà Vang. Hội ND đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác” – ông Nguyễn Phú Ban cho biết.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm, thông tin: “Sản xuất lúa hữu cơ khác với sản xuất lúa thông thường ở chỗ quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Chúng tôi tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phân hữu cơ. Điều này trước hết là bảo vệ được môi trường, sau đó là đem lại sự an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Đính- Trưởng thôn An Trạch (xã Hoà Tiến)– thôn có cánh đồng lúa hữu cơ – cho biết: Tập đoàn Quế Lâm đầu tư toàn bộ, từ giống lúa đến phân hữu cơ, và cả kỹ thuật. Cán bộ kỹ thuật của họ vào đây ăn ở với ND. ND chỉ có ruộng và bỏ công sức ra làm theo hướng dẫn của họ, đến vụ thu hoạch bán lúa cho tập đoàn.

Nông dân tin



Ông Đặng Văn Quang - 
Chủ tịch Hội ND Hòa Tiến
 Nếu sản suất lúa thường, nông dân bán được 6.000 đồng/kg, sản xuất lúa hữu cơ, nông dân bán đến 8.000 đồng. Vì thế mà ai tham gia làm lúa hữu cơ đều có lãi.
 
Ông Đính nói thêm, lúc ban đầu triển khai làm lúa hữu cơ, chỉ có 65 hộ tham gia, diện tích chỉ có 5ha. Ai cũng sợ đối tác lật lọng, làm ra rồi không mua, hoặc mua giá thấp, rồi sợ lúa không có năng suất…Để làm gương, Hội ND vận động cán bộ làm trước, làm nhiều. Đó là lý do vì sao ông Đặng Văn Quang – Chủ tịch Hội ND xã Hoà Tiến và trưởng thôn Nguyễn Đính trở thành người có diện tích lúa hữu cơ lớn nhất (7 sào/người).

 

“Rất may là cả 3 vụ đều thành công. Năng suất lúa hữu cơ bằng với lúa thường, chi phí sản xuất của lúa hữu cơ cũng bằng lúa thường nhưng giá lúa hữu cơ được Tập đoàn Quế Lâm mua lại của ND cao hơn lúa thường đến 30%. Nếu sản suất lúa thường, ND bán được 6.000 đồng/kg, sản xuất lúa hữu cơ, ND bán đến 8.000 đồng. Vì thế mà ai tham gia làm lúa hữu cơ đều có lãi”.

Ông Đặng Văn Quang thông tin thêm: “Lúa hữu cơ ND thu hoạch xong tập trung về kho của thôn. Vụ nào cũng vậy, tập đoàn cử cán bộ vào chồng đủ tiền lúa cho ND rồi mới chở lúa đi. Vì uy tín này mà ND tin. Diện tích lúa hữu cơ đã tăng từ 5ha lên 10,5ha; số hộ tham gia tăng từ 65 lên 103 hộ”.

Được biết, sau khi mua lúa hữu cơ của ND Hoà Tiến, Tập đoàn Quế Lâm đưa về Huế xay xát, vô bao và bán ra thị trường với thương hiệu Gạo hữu cơ Quế Lâm, giá 25.000 đồng/kg. Lần nào, gạo này về lại Hoà Tiến cũng được tiêu thụ nhanh. Ông Nguyễn Đính cho biết: “Cơm gạo hữu cơ mềm, thơm, ngon, nhưng quan trọng hơn là sạch, ăn yên tâm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem