Ở Vĩnh Sơn những ngày này, sự hiện diện của chiếc cầu phao đã mang lại niềm vui khôn tả cho bà con.
Bà Nguyễn Thị Gái (70 tuổi, Vĩnh Sơn) vui vẻ nói: “Có cầu rồi đi mô cũng dễ. Mấy chục năm nay người dân quê tui cứ đứng bên ni ngó qua quốc lộ mà buồn lòng. Chỉ cách một con sông thôi mà phải đi vòng 15 cây số mới đến được Quốc lộ 1A”.
Mấy chục năm nuôi ý tưởng
|
Hai nông dân xây cầu Trần Xuân Trường và Trần Công Chức trong ngày thông cầu phao. |
Vùng gò đồi 3 xã Lâm - Sơn - Thuỷ thuộc huyện Vĩnh Linh tuy nằm cách Quốc lộ 1A không xa, nhưng từ xưa đến nay lại dường như bị tách biệt với bên ngoài bởi các nhánh sông Bến Tắt và Sa Lung. Người dân muốn ra Quốc lộ 1A để đi thành phố Đông Hà đều phải đi ngược lên thị trấn Hồ Xá cách 15km hoặc phó mặc may rủi trên những chuyến đò ngang. Bởi thế, ước mơ có một cây cầu để rút ngắn khoảng cách đường đi luôn thường trực trong những người dân nghèo ở đây.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ông Trần Xuân Trường thấm thía nỗi nhọc nhằn đó và quyết định bàn bạc cùng với 3 ND khác là ông Trần Cụng Chức, Trần Duy Bôn và Phạm Dũng lập kế hoạch dựng cầu qua sông. “Tôi có ý định xây cầu từ khi còn là thanh niên nhưng đến bây giờ mới dám thực hiện” - ông Trường tâm sự.
Khảo sát, thiết kế, thi công... làm tất
Khi bắc chiếc cầu này, chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ mong giúp đỡ được bà con phần nào trong việc đi lại.
Ông Trần Xuân Trường
“Để hoàn tất hồ sơ thẩm định cây cầu rồi mang đến cơ quan chức năng phê duyệt mất hàng chục lần. Cũng may, nhờ chính quyền 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh hết sức ủng hộ nên tụi tui mới làm được suôn sẻ”- ông Trường cho biết.
Để thiết kế được mô hình chiếc cầu, cả 4 ND cơm đùm gạo nắm vào xã Triệu Thuận (Triệu Phong) để học hỏi kinh nghiệm làm cầu ở đây.
Sau khi có bản thiết kế, 4 ND phân chia nhau mỗi người mỗi việc. Người lo hoàn tất các thủ tục xin cấp phép xây dựng, người đi vay tiền, người vào tận Đà Nẵng mua nguyên vật liệu...
Sau đó, các ông tham gia thi công cùng hàng chục tay thợ có kinh nghiệm suốt 19 ngày. Cuối cùng cây cầu phao dài 110m, rộng 2,5m được hoàn tất với tổng kinh phí xây dựng 1,4 tỷ đồng. Bà con ai cũng bảo cầu chắc chắn, đi lại an tâm.
Để có được số tiền lớn đó, ngoài số tiền dành dụm hàng chục năm trời từ làm nông, 4 ND này phải đứng ra thế chấp, cầm cố tài sản để vay ngân hàng tiền xây cầu...
Theo tính toán của ông Trường, cứ thu phí qua cầu 4.000 đồng đối với xe máy và 2.000 đồng cho xe đạp thì sau 3 năm sẽ thu hồi được vốn. “Khi bắc chiếc cầu này, chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ mong giúp đỡ được bà con phần nào trong việc đi lại. Nhìn bà con phấn khởi, trẻ em đến trường an toàn là chúng tôi vui rồi...” - ông Trường thật tình bày tỏ.
Phan Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.