1. Khi các CĐV Thái Lan giăng biểu ngữ với dòng chữ “World Cup isn’t Dream” (tạm dịch: World Cup không phải là giấc mơ) trên sân Mỹ Đình vào tối ngày 13.10 để cổ vũ cho các cầu thủ của họ đang thi đấu với đội tuyển Việt Nam dưới sân, không biết có quan chức nào của VFF cảm thấy “chột dạ” hay không? Sau chiến thắng 3-0 trước Việt Nam, Thái Lan đang tiến rất gần đến vòng đấu cuối cùng của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, tức là việc đoạt vé dự World Cup không còn là giấc mơ mà có thể trở thành hiện thực.
World Cup không phải là giấc mơ với người Thái, còn chúng ta? Ảnh: T.L.
Điều trớ trêu đó là tham dự World Cup 2018 từng là mục tiêu của bóng đá Việt Nam, được đưa vào nghị quyết của VFF khóa 4 ở thời điểm mà V.League vừa ra đời. Đó là lần đầu tiên người ta thấy VFF có một mục đích cụ thể, một tầm nhìn xa 15-20 năm mang tính chiến lược mặc dù không mấy ai tin vào điều đó. Và đúng như vậy, với những gì đang có hiện nay, ngay cả việc có mặt trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á vẫn còn rất khó khăn với bóng đá Việt Nam mà thất bại trước Thái Lan tại Mỹ Đình đã nói lên tất cả.
2. Thái Lan bắt đầu thực hiện giấc mơ World Cup của họ chỉ cách đây có 7 năm, kể từ sau cái ngày bị Việt Nam đánh bại để đăng quang AFF Cup 2008. Họ biến nỗi đau thành hành động nhưng thay vì vội vã tập trung lực lượng để giành lại ngôi số 1 Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan xới tung toàn bộ làng cầu, cải tổ toàn diện hệ thống thi đấu nội địa khi áp dụng mô hình giải Ngoại hạng Anh cho giải vô địch quốc gia của mình.
Họ liên tục thất bại ở những kỳ SEA Games, AFF Cup sau đó nhưng không hề có một lời than vãn, chỉ trích lẫn nhau. Chỉ 5 năm sau, bóng đá Thái Lan đã trở lại một cách ngoạn mục, thâu tóm toàn bộ các danh hiệu khu vực. Đội tuyển nữ giành vé dự World Cup, đội tuyển Futsal thì đã ở đẳng cấp thế giới, đội U23 vào VCK châu Á và bây giờ, đội tuyển quốc gia cũng đã đến rất gần mục tiêu World Cup trong khi giải Thai-League đã vươn tầm trở thành một trong những giải vô địch hàng đầu châu Á.
Còn Việt Nam, trong chiến lược phát triển bóng đá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 thì đến năm 2030 mới tính đến việc lọt vào tốp 10 châu Á. Phải nói rằng, đó là một mục tiêu không quá tầm nhưng để làm được thì cần phải có những hành động quyết liệt ngay từ bây giờ. Cũng theo chiến lược đó, muốn vào tốp 10 châu Á thì phải đứng đầu khu vực từ nay đến năm 2020 tuy nhiên ai cũng thấy, chúng ta vẫn chưa có một động thái mang tính sẵn sàng nào cả. Và như vậy, đừng nói đến World Cup, chỉ là mục tiêu châu lục thôi cũng vẫn là giấc mộng không thể thành hiện thực.
3. Cải tổ nền bóng đá là yêu cầu bắt buộc, là cơ sở duy nhất nếu muốn bóng đá Việt phát triển. Từ chỗ có khoảng cách rất gần, có sự tương đồng với Thái Lan, giờ đây bóng đá Việt Nam như một bãi chiến trường, chỗ nào cũng bị hư hỏng nặng nề, mất căn bản trầm trọng. Đào tạo trẻ tốt thì không có đầu ra cho tài năng, các CLB chuyên nghiệp đầu tư cho nhiều cũng chẳng có nguồn thu để duy trì, đội tuyển quốc gia tập trung dài hạn mấy tháng trời mỗi năm cũng không nâng nổi chất lượng khi mục tiêu vẫn loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á. Muốn thoát ra khỏi những tư duy lạc hậu, tầm nhìn ngắn hạn ấy thì phải có những người làm bóng đá thực sự đủ Tâm, đủ Tầm chứ không chỉ chăm chăm kiếm thật nhiều chiếc ghế để ngồi tại VFF.
Đăng Linh (SGGP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.