Bóng đá Việt: Đã tới lúc xóa bàn cờ để làm lại

Thứ tư, ngày 05/12/2012 12:04 PM (GMT+7)
Dân Việt - Không quá khi ví bóng đá Việt Nam lúc này như một công trình ngổn ngang, từ cấp CLB lên tới các đội tuyển quốc gia. Và có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để xóa đi, làm lại từ thể thao trường học.
Bình luận 0

Ngay trước thềm cuộc mổ xẻ thất bại tại AFF Cup 2012, ông Phạm Văn Tuấn-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Phó Chủ tịch VFF, bày tỏ: “Điều quan trọng nhất là phải xác định cho được bóng đá Việt Nam sẽ đi theo trường phái nào”.

img
BĐVN phải làm lại từ thể thao trường học. Ảnh: Minh Hoàng

Theo ông Tuấn, sau thất bại tại AFF Cup 2012, chính những người làm bóng đá, ban huấn luyện đội tuyển và các tuyển thủ đang là những người đau đớn nhất: “Một trong những điều đặc biệt quan trọng là phải xác định cho được bóng đá Việt Nam sẽ đi theo trường phái nào? Điều này cũng không đơn giản đâu mà phải phân tích thật kỹ lưỡng, và có kế hoạch khoảng 10 năm để kiên trì theo đuổi định hướng đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.

img
Đội tuyển Việt Nam (trái) đã thất bại cay đắng tại AFF Cup. Ảnh: Đàm Duy

Thực tế, trong khoảng hơn 20 năm qua, các đội tuyển Việt Nam đã trải qua nhiều đời thầy ngoại từ Brazil, Đức, Anh, Áo, Pháp, Bồ Đào Nha… Đã có lúc tưởng chắc như "đinh đóng cột" bóng đá Việt Nam sẽ định hình theo lối chơi mà HLV Calisto đã dày công xây dựng. Nhưng khi thầy "Tô" ra đi, HLV Goetz tới, mọi thứ đã bị “phá” đi, làm tại từ đầu và thất bại ở SEA Games 2011. Tới AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng tái hiện lại cách chơi của ông thầy Calisto và cũng đã phải nhận "trái đắng".

"Cầm phải khẳng định là lối chơi của HLV Calisto đã quá quen với các đối thủ trong khu vực và họ dễ bắt bài. Nếu chúng ta kiên trì lối chơi, thì chỉ có cách phát triển nó dựa trên những nhân tố xuất sắc. Đằng này tại AFF Cup 2012, chất lượng nhận sự của tuyển Việt Nam cũng không thật tốt và đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thất bại", HLV Triệu Quang Hà (Thanh Hóa) lý giải.

Có một điều rất cũ… nhưng luôn mới với thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt nói chung, là không ai muốn (hoặc không thể) thay đổi tư duy “ăn xổi”. "Có bột mới gột nên hồ", muốn chơi bóng theo kiểu gì, trước hết phải có những nhân tố tốt. Và lúc này, khi bóng đá Việt không có gì trong tay thì làm sao có thể nói những chuyện xa xôi (?!).

Đến đây, càng thấm thía những chia sẻ của GS Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT: “Thể thao trường học của chúng ta quá yếu. Các nước có nền thể thao phát triển ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất 20-30 năm để làm thể thao trường học.

Khi đã tích lũy đủ lượng rồi, mới chuyển sang đầu tư về chất. Tiếc là chưa bao giờ thể thao Việt Nam muốn và chấp nhận làm một cách cơ bản như vậy cả. Trước đây, chúng ta đã “ăn xổi” và tôi nghĩ thời gian tới, không còn cách nào khác là tiếp tục… “ăn xổi” thôi”.

Nói cách khác, trường phái mà bóng đá Việt nên đi theo nhất là… làm lại từ đầu, bắt đầu từ thể thao trường học. Và giá như sau cuộc mổ xẻ thất bại AFF Cup 2012 chiều 5.12, những người làm bóng đá Việt "biến đau thương thành hành động", dám hy sinh, tạo nên sự thay đổi có ý nghĩa lịch sử này thì thật tuyệt!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem