Mọi thứ đều có thể “thương lượng”
Không phải ngẫu nhiên mà trong hành trình ra đời VPF, một số ông bầu đã chỉ trích dữ dội những người hành nghề môi giới cầu thủ (gọi nôm na là cò cầu thủ).
Thậm chí, Chủ tịch V.Ninh Bình, ông Hoàng Mạnh Trường còn điểm mặt cò cầu thủ nổi tiếng Trần Tiến Đại bằng tuyên bố: “Anh Đại đang phá hoại bóng đá Việt Nam”.
|
Với ông Đại (trái), mọi khúc mắc trong đời sống bóng đá đều có thể "thương lượng" được. Ảnh: Đức Đồng |
Thực tế, việc bầu Trường cay cú cũng có cái lý bởi khi mới bắt đầu xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt, ông đã gắn bó, đặt niềm tin vào cò Đại. Vậy mà tốn mất bao nhiêu tiền, đội bóng cố đô Hoa Lư vẫn chẳng thể có được chút thành tích. Ai buồn cứ buồn, còn ông Đại, sau khi chia tay V.Ninh Bình lại đến với "miền đất hứa" Sài Gòn.XT.
Mới đây nhất, xung quanh vụ Công ty Xuân Thủy mua lại Navibank.SG, người ta thấy mang đậm dấu ấn của cò Đại. Chân sút Quang Hải vốn còn hợp đồng 1 năm với Navibank.SG nếu chịu về chơi cho Sài Gòn.XT (như các đồng đội Tài Em, Việt Cường, Được Em…) ở mùa giải mới, thì không sao.
Còn muốn tới đội bóng mới thì cò Đại ra giá: Hải phải chi 3,5 tỷ đồng đền bù. “Chúng tôi đã đưa ra giá đó cho Quang Hải. Tuy nhiên, không hề có chuyện đóng khung với con số 3,5 tỷ đó, mà vẫn còn có thể thỏa thuận, thương lượng được”, ông Trần Tiến Đại “nhắc khéo” với tư cách là Giám đốc điều hành Sài Gòn.XT.
|
Khi cần, ông Trần Tiến Đại (trái) có thể vào vai huấn luyện viên. Ảnh: Minh Hoàng |
Và khi Quang Hải đã được giao bán với giá đó, thì cái giá để mua đứt Công Vinh vốn còn hợp đồng 2 năm với Hà Nội của bầu Kiên sẽ như thế nào: “Chúng tôi khẳng định là lúc này Sài Gòn.XT không có tiền để mua Công Vinh đâu”, ông Đại cho biết.
Muốn được việc phải gặp… cò?
Không nói ra nhưng nhiều cầu thủ Navibank.SG thuộc nhóm không được “tuyển” tới Sài Gòn.XT đều hiểu: muốn sớm được thanh toán hết lương, thưởng, thanh lý hợp đồng để tự do tìm đội bóng mới thì phải tích cực “làm việc” với cò Đại. Nếu như 4-5 năm trước, khi giá trị của cầu thủ tăng chóng mặt trên thị trường chuyển nhượng, cò cầu thủ đã kiếm được bộn tiền, thì lúc này, họ vẫn có cách sống tốt.
Thông thường những cầu thủ có chuyên môn chưa tốt nhưng lại muốn tìm được một bến đỗ như ý thì phải nhờ đến cò. Chi phí vào khoảng 5-10% giá trị bản hợp đồng (ví dụ lót tay 5 tỷ đồng phải chi cho cò khoảng 500 triệu đồng)
Cần nhớ, ước tính bóng đá Việt Nam có khoảng 300 cầu thủ V.League, hạng Nhất đang thất nghiệp. Trong số đó, chỉ có một số ít bảo đảm cuộc sống nhờ nghề tay trái kinh doanh sân cỏ nhân tạo, quán cafe, sân quần vợt... Hầu hết số còn lại đang ngày ngày đeo giày đi đá phủi và chờ đợi vận may hoặc cạy nhớ tới cò cầu thủ.
Nói về việc bảo vệ quyền lợi cầu thủ khi đội bóng bị giải tán hoặc chuyển giao, cò Đại cho rằng: “Tốt nhất là cầu thủ nên thương lượng, thỏa hiệp, cố gắng tìm được tiếng nói chung với đội bóng, chứ không nên kiện tụng. Bởi để theo kiện sẽ mất nhiều thời gian, tiền của mà chưa chắc có thể giành phần thắng hay không”.
Tâm sự với Dân Việt trong những ngày ở Bangkok (Thái Lan), Công Vinh “bật mí” một con đường giúp các đồng đội của mình tìm việc là đi đá giải phong trào cho các cơ quan, doanh nghiệp, và hy vọng sẽ được nhận vào làm nhờ tài… chơi bóng!
Nói cách khác, khi cầu thủ thiếu hiểu biết về luật lại không thể tự thương lượng trực tiếp với đội bóng thì lại phải nhờ tới tài của… cò.
“Trên thế giới, ở những nền bóng đá phát triển, nghề môi giới cầu thủ có chỗ đứng quan trọng. Trước đây, ở bóng đá Việt, giá cầu thủ bị đẩy lên cao là do chính các ông bầu thích “đi đêm”, chèo kéo cầu thủ nên cò mới có nhiều đất diễn đấy chứ.
Theo tôi, cò cầu thủ không có gì xấu cả nếu họ làm việc chuyên nghiệp, giúp những cầu thủ có khả năng tìm được đội bóng mới, thoát khỏi cảnh thất nghiệp trong thời điểm khó khăn này”, HLV Trần Bình Sự (Đồng Nai) bày tỏ.
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.