Trẻ hóa theo hướng nào?
Nói gì thì nói, việc đội tuyển Việt Nam vào đến bán kết AFF Cup 2014 đã là thành công lớn của chúng ta, xét trên năng lực chuyên môn và chất lượng cầu thủ mà bóng đá Việt Nam đang có. Thành công đấy chí ít phải hơn 2 mục tiêu đã gãy mà chính các lãnh đạo VFF từng “nổ” vang trời trước đó là thất bại của đội tuyển nữ trong việc tranh vé đến VCK World Cup 2015 và đội tuyển U19 vị loại khỏi VCK châu Á chỉ sau 2 trận vòng bảng.
Ở HLV Miura, ngoài tài điều binh khiển tướng, ông còn cho thấy khả năng phát hiện những tài năng mà người khác không nhìn thấy. Ông biến Hoàng Thịnh vốn khá thất thường trở thành tiền vệ trung tâm hay nhất nước hiện nay, đưa Ngọc Hải, Huy Hùng, Huy Toàn… từ chốn vô danh trở thành những cầu thủ có ích.
Và quan trọng nhất là biến một đội tuyển quốc gia rệu rã, vốn cũng chẳng mấy được VFF quan tâm trước đó trở thành một đội bóng giàu sức sống. Đấy lại là cái điều mà những người tiền nhiệm của vị HLV người Nhật không làm được.
Ông Miura ở lại, nhưng công việc tiếp theo của ông mới là khó. Nó khó không phải vì nhiệm vụ giành huy chương, thậm chí mục tiêu HCV ở SEA Games 28, mà nó khó ở chỗ trên đường từ đây đến SEA Games 28 trên đất Singapore, có thể vị HLV người Nhật sẽ… “đụng” các ý tưởng được ấp ủ trước đó của chính lãnh đạo VFF.
HLV Miura chỉ làm được việc với điều kiện ông không bị cấp trên can thiệp về chuyên môn (ảnh: Gia Hưng)
Chỉ 1 – 2 ngày sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2014, người ta đã bắt đầu thấy được rằng một số nhân vật đã khéo léo mượn truyền thông gây áp lực với HLV Miura ra sao, trong việc sử dụng lứa U19 của bầu Đức.
Đấy là lứa mà đúng một số lãnh đạo VFF đã ấp ủ kế hoạch sử dụng từ trước, qua hàng loạt tuyên bố của ông chủ tịch và phó chủ tịch VFF. Không sử dụng lứa ấy e HLV Miura không được lòng các sếp, nhưng nếu sử dụng toàn bộ, sẽ là quá lãng phí cơ hội đối với những Huy Hùng, Huy Toàn, Ngọc Hải, Hồng Quân… - những người đã khẳng định được chỗ đứng ở đội tuyển.
Củng cố đội tuyển hay củng cố VFF?
Sở dĩ HLV Miura thời gian qua làm được việc bởi ở cấp độ đội tuyển, ông được toàn quyền quyết định về mặt con người. Ông làm được việc vì thời gian vừa rồi ông ít bị can thiệp về chuyên môn từ phía các sếp.
Nhưng trận thua Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014 có thể làm thay đổi nhiều thứ, với đội tuyển U23 chuẩn bị dự SEA Games ở giữa năm sau cũng có thể sẽ khác so với đội tuyển quốc gia vừa rồi.
Mà một khi bị can thiệp về mặt chuyên môn, bị can thiệp trong việc tuyển chọn cầu thủ cho đội tuyển U23, có khi HLV Miura chẳng còn là ông nữa, và có khi những gì mà người ta biết về ông, cần nơi ông sẽ không còn phát huy tác dụng.
Một vấn đề khác đối với HLV Miura nằm ở chỗ ông đang hợp tác với những người không rành về chuyên môn, nhưng rất thích can thiệp vào công việc chuyên môn. Thế nên, lần ở lại này của vị HLV người Nhật có thể sẽ rất khác so với lần ông mới sang đây.
Có lẽ vì không tường tận về mặt chuyên môn, lại thích can thiệp về chuyên môn nên thời gian gần đây bộ máy chóp bu của VFF vài lần hướng cho cơ quan này đi lệch đường, làm tổn thương những người đang làm công tác chuyên môn và không đủ khả năng xây dựng bộ máy giúp việc đủ mạnh (vì kỳ thực việc gì họ cũng muốn tự làm theo kiểu truyền khẩu dụ từ trên xuống dưới).
Giữ ông Miura ở lại với bóng đá Việt Nam là một nghệ thuật, biết sử dụng ông đúng cách và đúng chức năng lại là một nghệ thuật khác. Còn nếu giữ ông thầy ngược Nhật ở lại mà VFF hoặc lãnh đạo VFF cứ làm thay ông ấy trong việc tuyển chọn nhân sự cho các đội tuyển, thì có tuyển ông Miura, thậm chí có mời cỡ Mourinho hay Ancelotti đến đây cũng vô ích!
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.