Đời không như là mơ…
Mới đó thời gian qua đi thật nhanh, với giới cầu thủ thì những gì họ trải nghiệm trong 4-5 năm qua cứ như một “giấc mộng đẹp” ngắn ngủi. Trong những ngày hoàng kim nhất của “sự nghiệp” cả trong và ngoài sân cỏ, trung vệ T.. của một đội bóng phía Bắc, từng khiến các đồng đội phát hoảng khi mất hàng trăm triệu đồng sau một đêm chơi mà mặt không biến sắc.
Thời ấy, nói gì tới những cái tên có “số má” như T.., những cầu thủ mang mác U23 cũng kiếm được tiền tỷ dễ như lấy đồ trong túi sau mỗi lần chuyển nhượng. Sau này, khi tay trắng lại… trắng tay, T.., mới chua xót thừa nhận: “Tiền tôi kiếm được từ bóng đá nhiều, nhưng tôi “đốt” vào các trò còn nhiều hơn”.
|
Quan chức VFF có quá nuông chiều các "ngôi sao"? Ảnh: Đàm Duy |
Và cách đây mấy ngày, khi đang chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị lấy vợ, T.., tâm sự: “Tôi thanh lý hợp đồng với đội rồi. Lúc này, cầu thủ thất nghiệp nhiều quá, nếu mình không cố gắng thì cũng khó có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê”!
Giá như, giá như… T.. nhận ra điều đó sớm hơn, thì có lẽ lúc này anh đã có thể yên tâm với một số vốn không nhỏ để đầu tư cho tương lai sau khi giải nghệ.
Nhưng dù sao, T.. vẫn còn “may” chán nếu nhìn vào những gì mà Quốc Vượng-tiền vệ tài hoa một thời của bóng đá Việt, đã phải trải qua. Sau những năm phải trả giá trong nhà giam cho án tiêu cực SEA Games 2005, Vượng gần như không thể tìm lại hình ảnh của mình được cho dù anh rất nỗ lực.
Mới lập gia đình và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng trong tổ ấm của mình, Vượng nói: “Nghĩ lại những ngày tháng hoang phí, ăn chơi trác táng mà tôi hối hận, thấy mình dại quá”!
Ai “vẽ đường cho hươu chạy”?
Quốc Vượng hay T.., chỉ là 2 trong số rất nhiều ví dụ về việc cầu thủ chưa thành tài đã dính… tật. Vậy ai là người đã “vẽ đường cho hươu chạy”, hủy hoạt bóng đá Việt?
Lê Tấn Tài (K.Khánh Hòa): “Thời buổi này, dường như cái gì các ông chủ cũng tự quyết hết. Khi mang bán đội bóng, lãnh đạo không thèm hỏi han, thông báo với cầu thủ dù chỉ một lời. Họ có coi chúng tôi ra gì đâu”.
Trong khoảng 1-2 năm qua, các ông bầu lên tiếng mắng cầu thủ vô cùng ác liệt. Trong những ngày đăng đàn chỉ trích VFF, phản ứng thị trường chuyển nhượng bát nháo, tạo đất làm ăn cho “cò”, bầu Đức (HAGL) từng phát biểu trước công luận: “Cầu thủ bây giờ càng lớn càng mất dạy”.
Ông Đức lấy ví dụ trường hợp 1 tiền đạo “có số” do HAGL đào tạo, đòi 3 tỷ đồng lót tay khi đàm phán gia hạn và ông đã đồng ý. Nhưng rồi khi Bình Dương trả 8 tỷ đồng, chân sút này đã “lật kèo” để ra đi!
Mới đây nhất, tại Hội nghị chuẩn bị mùa giải 2013 hồi đầu tháng 11, ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch K.Khánh Hòa (giờ đã bỏ bóng đá, chuyển giao đội bóng cho V.Hải Phòng thi đấu V.League 2013-PV) ủng hộ việc nâng độ tuổi được chuyển nhượng tự do của cầu thủ từ 23 lên 25 với lý lẽ: “Chuyển nhượng tới môi trường mới khi còn quá trẻ, cầu thủ coi mình như là “ông tướng”, dễ sa ngã, thiếu đạo đức”.
Nói thế, dường như các ông bầu đã quên (hoặc cố tình quên), sự thành hình cái thị trường chuyển nhượng bát nháo với giá cầu thủ rất "ảo", có sự đóng góp không nhỏ của chính họ. Khi mới bước chân vào làm bóng, không ít các ông bầu với hầu bao rủng rỉnh, đã vác tiền sang các đội bóng hàng xóm để "rút ruột" những tài năng, những cầu thủ chất lượng.
Đã có một thời các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như SLNA, Nam Định, Đồng Tháp khốn đốn bởi cái việc "cầm máu" và "giữ máu" nhân sự trước sự nhóm ngó của những đội bóng nhà giàu.
|
Quang Hải (phải) từng nhận 9 tỷ đồng cho vụ chuyển nhượng về Navibank.Sài Gòn. Vậy mà giờ cầu thủ này lên báo than không đủ tiền nuôi sống gia đình. Ảnh: TTVH |
Việc cầu thủ có thói quen nhận về những khoản nửa tỷ, 1 tỷ.., giá cầu thủ bị đội lên một cách phi thực, đều xuất phát từ những cuộc "săn đầu người" của các ông bầu luôn mang theo "triết lý": "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền".
Sẽ không quá khi cho rằng việc cầu thủ “biết cách” bỏ qua những giá trị đạo đức, chữ tín, lòng trung thành, để chạy theo tiếng gọi đồng tiền đều do nhiều ông bầu “dạy” cho cả!
Khi kiếm được những đồng tiền một cách quá dễ dàng, cầu thủ cũng dễ dàng “đốt tiền” vào tệ nạn xã hội, những thú vui không có điểm dừng! Có nhiều tiền lại không được trang bị đầy đủ nhận thức, họ dễ hoang tưởng về giá trị bản thân, không chỉ trên sân cỏ mà trong cả cuộc sống đời thường.
Trong mắt giới cầu thủ một thời, dường như tất cả những ai không kiếm được nhiều tiền như họ đều bị coi nhẹ, trong đó có giới huấn luyện viên, những người làm thầy!
Luật nhân quả
Cầu thủ hư còn bởi sự "nuông chiều" của VFF. Trong quá khứ, đã từng có những cầu thủ ngôi sao được bao che, bỏ qua những sai lầm để họ có thể góp mặt ở đội tuyển tham dự những giải đấu quan trọng.
Không phải gần đây, khi Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng úp mở về cái gọi là danh sách cầu thủ thi đấu thiếu động lực ở AFF Cup 2012, báo giới mới phát minh ra cái cụm từ "danh sách đen".
"Danh sách đen" hoặc một thứ tương tự như vậy nằm trong tay VFF, đã từng được nhắc tới, được đồn đại ở làng bóng từ hàng chục năm trước. Nó chưa lộ sáng (hoặc không bao giờ lộ sáng) nhưng từng được coi như "lưỡi gươm" treo lơ lửng trên đầu các tuyển thủ mỗi khi chuẩn bị bước vào một giải đấu quan trọng nào đó. Đá tốt thì được miễn tội, đá dở thì...coi chừng.
Chưa hết, cứ mỗi lần đội tuyển U23 hay tuyển quốc gia dự SEA Games hay AFF Cup, là người ta lại thấy quan chức VFF treo thưởng vung vít. Cái thói đá vì tiền, không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, cũng từ đấy mà ra chứ ở đâu.
Thế nên, khi Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đăng đàn chỉ trích "một số cầu thủ chỉ nghĩ đến tiền", "coi việc lên tuyển là cơ hội kiếm tiền".., người ta không hiểu đó là sự phẫn nộ của ông Dũng hay là sự thừa nhận sai lầm một cách chua xót của VFF về việc "doping tiền thưởng" đã cho phản ứng ngược.
Thời thế, thế thời, quy luật nhân-quả đang ứng vào bóng đá Việt ở mọi cấp độ. VFF đã thả nổi cho các ông bầu thoải mái tung hoành, và giờ thì mọi chuyện đang nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đội tuyển thất bại tại AFF Cup 2012, V.League 2013 không chắc sẽ có đủ 12 đội dự giải (kinh tế khó khăn, trong vòng 3 tháng nữa, ai biết sẽ còn có thêm ông bầu nào tuyên bố bỏ bóng đá) cho dù lễ bốc thăm đã diễn ra vào chiều 13.12.
|
Bầu Trường bảo cầu thủ "vô ơn". Còn cầu thủ nói "có ơn gì với chúng tôi mà bảo chúng tôi vô ơn". |
Còn các ông bầu, họ đã không thật tâm làm bóng đá, nuông chiều cầu thủ và việc phải nhận lại trái đắng gắn với sự “vô ơn” như cách bầu Trường từng nói ngay trước khi rời ghế Chủ tịch CLB V.Ninh Bình, cũng là điều dễ hiểu. Còn nói như thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng (V.Ninh Bình) thì: “Họ có ơn gì với chúng tôi mà bảo chúng tôi vô ơn?”
Về phần các cầu thủ, họ cũng đừng trách thời thế làm gì mà nên tự trách mình. Đã có khoảng thời gian, họ không coi ai ra gì, sống “trên tiền”, thì đây cũng là lúc họ phải nhận lại những gì cần phải nhận khi ông bầu hết tiền, bỏ bóng đá, chuyển giao họ như chuyển một “mớ rau”!
Bóng đá Việt rơi vào tình trạng thê thảm như hiện tại, âu cũng là cái giá phải trả cho những sai lầm của những người chèo lái, cho sự vụ lợi của những ông bầu coi bóng đá là phương tiện để thực các mục tiêu phi bóng đá, cho sự ảo tưởng của những cầu thủ.
Quanh đi quẩn lại, chỉ khổ người hâm mộ Việt Nam, những người đã trao gửi niềm tin, tình yêu bóng đá một cách vô điều kiện để giờ phải nhận lấy trái đắng!
Đến bao giờ những người làm bóng đá Việt từ cấp lãnh đạo đến các ông chủ, HLV, cầu thủ mới cảm nhận được tình yêu, sự bao dung vô hạn ấy của người hâm mộ để sửa mình?
Phan Văn Tài Em: “Tất cả là do các ông chủ, ông bầu mới nhảy vào làm bóng đá. Vì ham thành tích trước mắt, họ tha hồ vung tay móc túi chiêu mộ cầu thủ. Chúng tôi hoàn toàn không có lỗi. Có lúc tôi nghĩ cầu thủ cũng như con cá. Ai thích, có tiền thì mua chứ “con cá” ấy có định đoạt được giá trị mua bán của mình đâu”.
Lê Đức
Kỳ 1: Bóng đá Việt biến loạn: Thảm kịch được báo trước
Kỳ 2: Bóng đá Việt thê thảm, VFF phải chịu trách nhiệm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.