Cô bạn mang 2 dòng máu Việt - Thái, đang học lớp 12 ở Việt Nam nhưng đã làm sinh viên một trường đại học danh tiếng của Thái Lan.
Học song song 2 chương trình Việt - Thái
Vừa gặp, cô đã hồ hởi khoe: "Mình thi đậu ngành Ngôn ngữ học của trường Đại học Chulalongkorn rồi! Đại học hàng đầu của Thái Lan đó".
Cười tít mắt, cô kể lại quá trình học song song 2 chương trình ở Thái và Việt Nam: "Bên Thái bắt đầu học vào tháng Tư. Vì vậy vừa kết thúc chương trình học ở Việt Nam vào tháng Sáu, mình tức tốc bay sang Thái nhập học".
Lalita bật mí, vì cô đạt điểm IQ 130 (mức cao nhất thường là 160 điểm) nên trường trung học Mater Dei rất ấn tượng và chấp nhận cho học song song, lược bớt một số môn đã học ở Việt Nam như Lý, Hóa, Sinh…
Từ tháng Sáu đến tháng Tám, Lalita sang Thái học, tranh thủ nắm vững các kiến thức tổng quan của cả năm học ở Thái, sau đó về Việt Nam tiếp tục tự học và làm bài tập gửi email về trường.
Học song song liên tục từ lớp 1 đến giờ, cô đã có lúc bị căng thẳng và mất cân bằng, nhất là lúc đầu học kỳ 2 năm nay. Đó là thời điểm lượng bài vở năm cuối cấp ở Việt Nam ngày càng nhiều, đúng lúc Lalita phải ôn luyện chuẩn bị thi Đại học ở Thái.
"Mình bị loạn cả lên, không biết phải làm bài gì, học bài gì, nhưng rồi mình đã tìm ra cách: Lúc trước khi thi Đại học ở Thái, mình tập trung hết lực ôn các môn Toán, Tiếng Anh để đi thi, còn chương trình Việt mình chỉ học vừa đủ căn bản để không bị hổng kiến thức.
Đến kỳ thi ở Việt Nam, mình lại dồn sức học thật kỹ, và dành thời gian ít hơn cho trường bên Thái. Cứ như vậy mà mình vượt qua gần hết năm học".
“Trùm” Toán ở trường Thái Lan
Cô khoe, học song song tuy cực nhưng có nhiều cái lợi lắm. Chẳng hạn như môn Toán, nhờ ở Việt Nam mình làm nhiều bài tập, nhiều dạng đề với cách giải biến hóa,nên sang Thái mình chỉ cần nắm công thức cơ bản là có thể làm vèo vèo.
Các bạn Thái suốt ngày gặp mình hỏi bài, nhiều bạn còn thắc mắc: "Ở Việt Nam Lalita học Toán kiểu gì mà sang đây "thống trị" như vậy?"
Còn ở Thái mình được học rất nhiều môn thú vị, chẳng hạn như Business (kinh doanh). Cả lớp sẽ chia nhóm, quyết định bán một sản phẩm nào đó (và phải bán thật), rồi làm bài thu hoạch, trình bày trước lớp cách quản lý tiền, thu, chi, thuế… Nên kỹ năng làm việc nhóm và tư duy của mình cũng được rèn luyện nhiều.
Bên Thái, tất cả các môn học đều sử dụng sơ đồ tư duy, không phải ghi chép nhiều. Thế là mình đã áp dụng trong lớp ở Việt Nam, chẳng hạn như môn Địa, khi học về các loại đất, mình vẽ sơ đồ phân biệt đất Bazan với Feralit, phân bố ở đâu, đặc điểm gì… nên rất dễ nhớ.
"Đau đầu nhất là môn Văn"
Ở nhà, cô bạn nói chuyện với ba bằng tiếng Thái, với mẹ tiếng Việt, và khi cả gia đình cùng nói chuyện thì dùng tiếng Anh. Cô còn đăng kí học thêm tiếng Hoa ở Thái Lan nữa. "Nếu ai hỏi tiếng mẹ đẻ của mình là gì, mình sẽ tự hào khoe : cả 3 thứ tiếng Việt, Thái, Anh luôn" - Lalita kể.
Nhưng cũng vì vậy nên nhiều lúc các ngôn ngữ "đánh nhau" loạn xạ. Môn Văn, Sử thường làm Lalita đau đầu nhất do có nhiều từ phức tạp, khó nhớ.
Có lần, bạn "được" giáo viên Văn đọc bài trước lớp vì dùng từ lạ: Thay vì viết "anh hùng T’nú bị giặc tra tấn man rợ", thì cô nàng lại viết thành… "hoang rợ" (ghép 2 từ hoang dại + man rợ)!
Lâu lâu cô bạn còn "đãi" bạn bè những trận cười rần rần vì dùng sai từ như: "Chặt bánh kem", "đi vô… lỗ (hẻm) mua bánh tráng"…Cô nàng phải khắc phục bằng cách ghi chú những từ khó nhớ, đọc đi đọc lại các từ láy, từ ghép mà bạn thấy lạ…
Hai trường học, 4 ngôn ngữ, hai đất nước… Có những chuyện tưởng như không thể, nhưng nếu có quyết tâm, bạn sẽ làm được!
(Theo Thế giới trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.