Bữa cơm đã có “chất tươi”
Bữa cơm của học sinh bán trú tại Trường THCS Trung Thượng (Quan Sơn, Thanh Hóa) đã có thịt, cá. Ảnh: H.Đ
Đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, nhìn học sinh quây quần bên mâm cơm trưa do nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em, chúng tôi cảm thấy thật vui, vì các em được ăn cơm trắng, thịt lợn rim, cá khô và rau xanh…
Cô giáo Vũ Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay trường đang có 77 em học bán trú. Cơ sở vật chất của trường được Nhà nước đầu tư khá khang trang. Những HS nhà cách xa trường từ 7- 13km được bố trí ở bán trú để theo học.
“Khi quyết định chọn mô hình bán trú cho HS, chúng tôi đã mời phụ huynh đến họp, bàn bạc và thống nhất thuê người vào hỗ trợ cùng GV để nấu ăn cho các em. Với mức hỗ trợ của Nhà nước hiện nay là 460.000 đồng/em/tháng, chúng tôi thống nhất sẽ lấy số tiền đó để mua thức ăn hàng ngày cho các em. Mỗi bữa ăn được tính toán chi ly, tiết kiệm hết mức có thể, nhưng vẫn phải đủ tiêu chí cơm có thịt, cá và rau xanh. Mỗi ngày, các GV đều phải lên thực đơn, hạch toán cặn kẽ, với mức 17.000 đồng/3 bữa/ngày. Còn gạo được Nhà nước cấp mỗi tháng 15kg/em, nên không lo thiếu cơm. Từ khi có bữa ăn đầy đủ, các em rất phấn khởi, yên tâm học tập” - cô Huệ nói.
Vẫn còn nỗi lo về nhà ở
Quan điểm
Ông Lê Đình Xuân - Trưởng phòng GDĐT huyện Quan Sơn
Hiện nay huyện có 5 trường đang rất cần phòng ở bán trú cho HS. Do chưa có phòng ở nội trú kiên cố, nên HS phải ở trong lều lán, trọ học. Ngành giáo dục và UBND huyện Quan Sơn đã rất nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên, tất cả đang phải chờ cấp trên xem xét, phê duyệt”.
Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thượng, nhà trường cũng nỗ lực để lo cho bữa ăn của các em có thịt, có cá.
Thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng cho hay: “Tiền Nhà nước cấp cho mỗi HS bán trú bằng 40% lương cơ bản/tháng. Nhà trường chi trả cho phụ huynh, sau đó phụ huynh HS nộp tiền ăn để trường nấu cho các em ăn theo tháng, mỗi ngày 17.000 đồng ăn 3 bữa,.. Bữa sáng, các em được ăn mì tôm, miến hoặc bánh bao… Trường còn bỏ kinh phí, thuê 1 người để hỗ trợ GV nấu ăn cho HS”.
Tuy nhiên, không được như Trường Trung Tiến, Trường Trung Thượng hiện vẫn chưa có khu bán trú kiên cố, nên nhà trường cùng chính quyền và phụ huynh góp công sức, vật liệu để dựng lên 10 phòng bằng tranh tre, nứa lá cho HS ở.
“Nhà trường tiết kiệm mãi mới được 8 triệu đồng, đầu tư mua một chiếc máy bơm để lấy nước từ sông Lò lên bể, cho HS tắm giặt. Còn nước ăn thì lấy từ nước mó trên núi Pom Pha Can ở bản Bách về dùng. Chúng tôi đã gửi văn bản báo cáo lên cấp trên xin đầu tư xây dựng khu bán trú cho HS. Trước mắt, nếu do nguồn kinh phí khó khăn, thì nhà trường xin được hỗ trợ xây dựng khoảng 5 phòng nội trú, để các em vào ở cho an toàn”- thầy Bình cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.