Diệu Linh
Thứ sáu, ngày 17/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Khi dịch bạch hầu còn nóng ở Tây Nguyên thì tại miền Bắc, miền Nam, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng đã bùng phát ở nhiều nơi. Số ca bệnh nhập viện gia tăng kéo theo nỗi lo “dịch chồng dịch” trong khi dịch Covid-19 vẫn còn đang rất phức tạp trên thế giới.
Bệnh nhi Nguyễn Diệu Linh (25 tháng tuổi, Hà Nội) vừa được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 4. Khi thăm khám toàn thân, các bác sĩ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác nhiều mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm xét nghiệm công thức máu, CRP và EV71. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Linh mắc tay chân miệng (TCM) độ 2a.
Trước tình hình gia tăng bệnh TCM, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phòng bệnh TCM. Bệnh TCM chưa có vaccine phòng bệnh, khả năng lây lan nhanh, đặc biệt là khi mùa tựu trường sắp đến. Do đó, các tỉnh, thành phố cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện…
thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc TCM. Chỉ tính riêng 2 tháng 6-7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại BV E (Hà Nội), bác sĩ Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, số ca mắc TCM vào viện khám đang gia tăng trong vài tuần gần đây. Cụ thể, trong 3 tuần gần đây, Khoa Nội Nhi tổng hợp tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh TCM, chiếm 30-40% ca bệnh đến khám...
Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2020 đến giữa tháng nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%.
Tuy vậy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, bệnh TCM thường bùng phát vào tháng 4-5. Tuy nhiên năm nay, nhờ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 nghiêm túc, vệ sinh sạch sẽ, giãn cách xã hội, học sinh nghỉ học nên sang tháng 6 mới có sự gia tăng ca bệnh. Bệnh TCM chưa có vaccine phòng ngừa, lây qua tiếp xúc với người có virus, với vật dụng mang virus nên nếu không có sự kiểm soát thì dịch TCM sẽ gia tăng nhất nhanh, nhất là khi trẻ em đi học vào tháng 8, tháng 9.
Sốt xuất huyết cũng vào mùa
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay số ca mắc sốt xuất huyết (SXH)trên cả nước là gần 30.000 ca, trong đó có 5 ca tử vong tại các tỉnh: Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh, Phú Yên…
Đáng nói, từ cuối tháng 6 đến nay một số địa phương đã gia tăng ca SXH như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Hà Nội, TP.HCM.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6 đến 12/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 115 trường hợp mắc SXH tại 51 xã, phường, thị trấn. Tính từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận gần 900 ca SXH, chưa có ca tử vong. Số ca mắc SXH tính đến thời điểm hiện tại giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 1.220 trường hợp), tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định, đây là thời điểm thuận lợi cho dịch SXH bùng phát, khi nắng nóng, mưa nhiều. Các huyện vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa và các khu vực có làng nghề phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước có bọ gậy có nguy cơ cao hơn.
Còn tại TP.HCM, trong suốt 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp bệnh SXH và TCM hàng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 bệnh này đều tăng. Trong tuần đầu tháng 7, số ca SXH tăng 59 ca, TCM tăng 50 ca so với tuần trước. Bác sĩ Lê Hồng Nga (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) dự báo tuy hiện hay số ca mắc SXH và TCM còn thấp nhưng đang có sự biến động tăng, cho thấy mùa cao điểm SXH và TCM đang quay trở lại.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm Phú Yên đã ghi nhận 2.538 ca mắc SXH, trong đó có 1 bệnh nhi 8 tuổi đã tử vong. Số mắc này cao hơn tống số ca mắc năm 2019, riêng tháng 6/2020 đã ghi nhận 1.058 ca bệnh và đang có xu hướng gia tăng...
Bệnh nguy hiểm, dễ biến chứng
Theo bác sĩ Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E), bệnh TCM có 4 mức độ từ nhẹ đến nặng. Mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà. Mức độ 2, bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ.
Ở mức độ 3, có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân, nhịp thở nhanh, thở bất thường; có cơn ngừng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ. Ở mức độ 4: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngừng thở, thở nấc.
Về bệnh SXH, bác sĩ Nguyễn Kim Thư - Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cũng cho biết, bệnh virus SXH có 4 type khác nhau nên khi mắc bệnh SXH 1 lần rồi vẫn có thể bị lại 2-3 lần nữa, thậm chí còn có thể nặng hơn so với lần đầu mắc bệnh. Bác sĩ Thư cho biết, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều như những ngày qua là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Tại miền Bắc, theo chu kỳ, cuối tháng 6, đầu tháng 7 vào mùa SXH, đỉnh dịch là tháng 8-9.
"Nếu trong mùa SXH mà có dấu hiệu sốt cao liên tục, nên đến cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc SXH. Lưu ý, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân SXH chỉ có sốt mà ít có các biểu hiện khác nên rất dễ bị nhầm sang sốt virus thông thường"- bác sĩ Thư cho biết.
Dịch bệnh không thể lui nếu người dân không hợp tác
"Biến đổi khí hậu, mưa nhiều, nóng ẩm là điều kiện cho bệnh SXH bùng phát. Bệnh SXH chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên cách tốt nhất vẫn là không để muỗi đốt. Muỗi đẻ trong nước sạch nên những vật dụng chứa nước ăn, đọng nước mưa đều có khả năng trở thành "ổ" cho muỗi đẻ trứng, nở ra muỗi để gây bệnh. Do đó, ý thức của người dân góp vai trò quan trọng trong việc phòng dịch.
Trong khi đó, không ít người dân vẫn chưa quan tâm đến bệnh SXH, vẫn để các dụng cụ chứa nước không có nắp đậy, để rác thải quanh nhà, gây ra các vũng nước đọng cho muỗi đẻ; khi có cán bộ đến phun thuốc thậm chí người dân còn không mở cửa cho vào nhà, khóa cửa đi vắng dù đã có thông báo… Do đó, để phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh SXH, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế, đậy nắp bể nước, đổ các chai lọ, rác thải đọng nước… Chính quyền địa phương, các đoàn thể cần tăng cường tuyên truyện, vận động, kiểm tra, nhắc nhở từng hộ dân trong phòng dịch
Ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Bệnh tay, chân, miệng nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh TCM có các dấu hiệu nhận biết rất dễ dàng, cha mẹ có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi thấy con bị bệnh thì nên đưa đi khám và điều trị ngay. Vì trẻ con sức đề kháng yếu sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng bất thường, nguy hiểm. Các dấu hiệu trẻ mắc TCM bao gồm: Sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng; tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Ngoài ra, để phòng bệnh cho con, cha mẹ nên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi và các vật dụng trẻ hay cầm nắm; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới trẻ em (BV Nhi T.Ư)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.