Buộc những trang hồ sơ "lên tiếng"

Thứ sáu, ngày 20/02/2015 21:56 PM (GMT+7)
Truy tìm theo dấu vân tay thu ở hiện trường, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và cơ quan điều tra đã lần ra thủ phạm sát hại bác sĩ Phạm Thị Nguyệt.
Bình luận 0

Những ngày cuối năm 2014, trời TP.HCM cũng se lạnh như muốn sẻ chia cái rét với mùa đông trên đất Bắc. Giữa không khí náo nhiệt của thành phố lớn nhất phương Nam, trong các phòng làm việc của Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (bộ phận tại TP.HCM), từng cán bộ, chiến sĩ vẫn miệt mài bên hệ thống máy móc hiện đại, để nắm bắt những kĩ thuật mới xác định dấu vết vân tay.

Vừa chăm chú quan sát anh em lớp tập huấn thao tác, thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát vừa nói với kĩ thuật mới này, tính chính xác và năng suất công việc cao hơn hẳn.

Ngày tôi còn công tác ở tỉnh Long An, phòng làm việc của anh em Cơ yếu (thuộc Phòng Tham mưu Công an tỉnh) kế bên Phòng Hồ sơ nghiệp vụ. Mỗi người mỗi việc nhưng tôi thấy lính hồ sơ luôn cặm cụi, tỉ mỉ lật giở từng trang bìa giấy, soi lên soi xuống hết chỉ bản này đến chỉ bản khác.

Nhìn chồng chồng lớp lớp hồ sơ ken kín trong những tủ sắt, tôi tò mò và đùa với anh Út Hết (đại tá Huỳnh Văn Hết, trưởng phòng, nay đã nghỉ hưu): "Việc của các anh trầm nhỉ. Cứ như mò kim đáy bể vậy? ". Nghe thế, anh Út Hết chỉ tủm tỉm cười hiền khô.

Suy nghĩ ấy ám ảnh mãi trong đầu tôi. Không ngờ sau này tôi lại "có duyên" làm việc với những người lính hồ sơ và chợt nhận ra các anh đã nhiều, rất nhiều khi "mò được kim nơi đáy bể".

Tháng 4.2013 tại Hà Nội, chúng tôi được dự buổi lễ xúc động: "Lễ trao di ảnh liệt sĩ Nguyễn Bình Minh". Liệt sĩ Nguyễn Bình Minh sinh năm 1966, trước khi nhập ngũ thường trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội. Anh lên đường tòng quân năm 1985, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi tròn tuổi 20, anh dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Thời ấy, gia đình anh Minh không lưu giữ bất kì bức ảnh nào về liệt sĩ này. Nỗi đau mất người thân lại thêm nỗi buồn không có bức ảnh của anh Minh để thờ cũng khiến cha mẹ anh, anh em trong gia đình luôn canh cánh. Một hôm, anh Nguyễn Hùng Tiến (anh trai liệt sĩ Nguyễn Bình Minh) xem chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", được biết một số gia đình tìm được di ảnh của thân nhân với sự giúp đỡ tận tình của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an.

Nhận được lá đơn của anh Nguyễn Hùng Tiến bày tỏ nguyện vọng than thiết nhờ Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát tìm di ảnh em trai Nguyễn Bình Minh, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ suy đoán, liệt sĩ Nguyễn Bình Minh sinh năm 1966, nhập ngũ năm 1985, vậy có thể được làm chứng minh nhân dân vì độ tuổi 15-16 trở lên tại Hà Nội, hầu hết công dân đều được làm giấy tờ tùy thân thiết yếu này.

Ông chỉ đạo các phòng chức năng của Cục và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Công an TP.Hà Nội tra cứu. Sau gần 2 tháng, di ảnh liệt sĩ Nguyễn Bình Minh được tìm thấy. Đó là bức ảnh chụp năm 1983, còn lưu trong tàng thư của Công an Hà Nội.

img

Phòng Tham mưu, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát luôn chú trọng công tác chuyên môn.

Tại buổi lễ trao di ảnh liệt sĩ Nguyễn Bình Minh hôm ấy, sau khi nhận bức ảnh liệt sĩ từ tay thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, ông Nguyễn Đình Hiển thay mặt gia đình xúc động, cảm ơn lãnh đạo, cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Công an TP.Hà Nội. Tìm được tấm ảnh của em tôi để thờ cúng là niềm mong mỏi của gia đình trong suốt gần 30 năm qua, sau khi em tôi ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc".

Câu chuyện tìm di ảnh nữ liệt sĩ Trần Thị Đề cũng để lại sự xúc động, tình cảm tốt đẹp về những người lính hồ sơ. Gia đình liệt sĩ hiện định cư tại Canada, ở Việt Nam chỉ còn người chú ruột đã ngoài 80 tuổi trú tại thị trấn Vạn Giã, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Chị Trần Thị Đề sinh năm 1951, hy sinh đêm 24 rạng ngày 25 tháng Chạp năm 1972. Hôm đó, trong khi đi tiếp tế các đồng chí trên núi, chị Đề bị địch phát hiện, sát hại tại cầu Hiền Lương (thuộc thị trấn Vạn Giã). Nhận được bức chân dung của liệt sĩ, gia đình vô cùng xúc động, người mẹ già gần 90 tuổi của liệt sĩ nhìn thấy ảnh con gái trào nước mắt, cảm thấy nguôi ngoai một phần nỗi đau thương 4 thập kỷ.

Tìm kiếm, trao di ảnh các liệt sĩ là việc làm đầy tính nhân văn thì công tác tra cứu, truy tìm dấu vết, tung tích tội phạm cũng góp phần làm cho cuộc sống thêm bình yên. Còn nhớ tháng 9.1992, tại TP.HCM xảy ra vụ người dùng máy bay rải truyền đơn phản động.

Cơ quan An ninh điều tra hơn năm nhưng không đủ căn cứ để hoàn thành hồ sơ vụ án. Nhận được yêu cầu, trước sự bức thiết, phức tạp của vụ án, từ những thông tin không đầy đủ về nghi phạm, đơn vị đã tra cứu, xác định hắn là Lê Văn Tống (còn gọi là Lý Tống, sinh năm 1946, tại Nha Trang, Khách Hòa), nguyên trung úy phi công chế độ cũ, vượt biên sang Mỹ... Thông tin do đơn vị cung cấp về mối quan hệ, các hoạt động của người này đã giúp cơ quan An ninh điều tra phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý tốt vụ án...

Cách đây không lâu, một vụ trọng án mà nạn nhân là nữ bác sĩ được làm rõ sau nhiều ngày kì công điều tra, với sự phối hợp của nhiều đơn vị từ Bộ đến công an các địa phương, trong đó có lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát.

Rạng sáng 10.6.2012 xảy ra vụ án mạng tại thành phố vùng biên Lào Cai, nạn nhân là nữ bác sĩ Phạm Thị Nguyệt (sinh năm 1958, trú tại tổ 14, phường Cốc Lếu, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) - trưởng phòng khám đa khoa khu vực. Theo lịch phân công, ngày 9.6.2012, bác sĩ này trực đêm tại phòng khám, thuộc tổ 6, phường Lào Cai.

Khoảng 7h sáng hôm sau, y sĩ phòng khám đến nhận bàn giao ca trực, phát hiện bác sĩ Nguyệt bị sát hại. Tài sản bị cướp là xe máy Spacy, điện thoại di động...

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra thu được 3 dấu vân tay nghi là của thủ phạm gây án.

Công an tỉnh Lào Cai đã gửi mẫu vân tay nghi vấn về Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đề nghị trưng cầu giám định. Đơn vị này đã cử nhiều đoàn công tác cùng phương tiện hiện đại đến Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Lào Cai trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ tra cứu. Hàng triệu mẫu vân tay đã được tập trung so sánh, đối chiếu, tuy nhiên, chưa có mẫu nào trùng hợp với dấu vân tay nghi vấn thu tại hiện trường vụ án.

Trong khi công tác điều tra đang chậm, lúc 14h ngày 4.4.2013, một thanh niên dáng vẻ khuất tất xuất hiện tại khu đô thị mới Vân Canh (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Khi đi qua số nhà 37 (khu nhà liền kề 34), thấy cửa khóa, hắn leo theo dây chống sét lên tầng 2, phá cửa ban công vào nhà.

Tên trộm lấy được máy vi tính, một đầu kĩ thuật số VTC mang xuống tầng trệt và nhìn thấy chiếc xe máy Wave màu đen dựng trong phòng. Hắn chằng buộc những thứ đồ lấy được lên xe máy, lấy chìa khóa dự phòng trong nhà ung dung mở cửa như chủ nhân. Khi hắn nổ máy bỏ chạy, bị người dân gần đó nghi vấn đuổi theo hô hoán. Tên này chạy xe được vài trăm mét bị bắt giữ.

Bị đưa về trụ sở Công an huyện Hoài Đức, hắn khai nhận tên Lương Quốc Quyền (sinh năm 1986, thường trú tại thôn 4, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

Các điều tra viên Công an huyện Hoài Đức lấy lời khai, lập danh chỉ bản nghi phạm. Đến ngày 4.5.2013, qua tra cứu, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát xác định dấu vân tay của Quyền trùng với dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án sát hại bác sĩ Phạm Thị Nguyệt.

Lập tức Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ chỉ đạo điện hỏa tốc gửi Công an Hà Nội và Công an tỉnh Lào Cai. Khi nhận được điện thoại báo cáo của Công an huyện Hoài Đức cho biết, tên trộm vẫn đang bị tạm giam, thủ trưởng đơn vị và cán bộ cục như trút được gánh nặng.

Ngày 5.5.2013, Lương Quốc Quyền bị đưa từ nhà tạm giữ lên gặp một tổ công tác đặc biệt vừa có mặt ở trụ sở Công an huyện Hoài Đức. Khi một điều tra viên giới thiệu: "Các chú ở Công an tỉnh Lào Cai cất công về tận đây gặp mày, chắc mày biết có việc gì rồi chứ?". Nghe vậy, Quyền choáng váng, run lên bần bật, lắp bắp: "Dạ cháu biết ạ. Cháu xin khai hết ạ".

(Theo Duy Hiển - Hiếu Quỳnh/CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem