Bước tiến dài của đổi mới

Thứ bảy, ngày 17/05/2014 06:11 AM (GMT+7)
So với Chỉ thị 100 và Nghị quyết khoán 10 trước đây, khi Nghị quyết (NQ) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông) được Hội nghị T.Ư 7 (khóa X) thông qua năm 2008 đã có không ít hoài nghi về sự đột phá của NQ này.
Bình luận 0
Nhưng chỉ một thời gian ngắn, mọi hoài nghi đã được xóa bỏ.

Chỉ trong có 3 năm, tính từ 2011 đến 2013, tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa… tập trung để xây dựng NTM đã lên tới gần 485.000 tỷ đồng, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến hàng nghìn m2 đất, hàng trăm công lao động để làm NTM. Nhìn một cách tổng thể, như TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, đó là: Bức tranh nông thôn thay đổi rõ nét. Đường làng, ngõ xóm được xây mới…

Quả đúng là bức tranh NTM đã có nhiều thay đổi, từ chỗ chúng ta chưa định hình được NTM như thế nào, đến nay đã có ít nhất 185 xã đạt đủ tiêu chí về xây dựng NTM tại 27 tỉnh, thành cả nước. So với mục tiêu đề ra, có thể con số này chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng, song cũng có thể khẳng định trong bối cảnh nền kinh tế mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được như trên là rất đáng ghi nhận. Đã có nhiều địa phương, điển hình như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… dành tối đa nguồn lực cho xây dựng NTM theo phương châm “lấy công nghiệp nuôi nông nghiệp, lấy đô thị phát triển nông nghiệp”. Điển hình như Hà Nội, Thành ủy đã ra hẳn một Chương trình về “Xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp; Từng bước nâng cao đời sống nông dân” (Chương trình 02/CTr-TU). Theo đó, thành phố đặt mục tiêu xây dựng NTM tại 401 xã của 19 huyện, thị với nhiều chủ trương, chính sách tốt như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa…

Cái được lớn nhất trong chương trình xây dựng NTM không chỉ dừng ở các công trình cơ sở hạ tầng, mà cái được lớn nhất chính là vai trò làm chủ thể của người nông dân ngày càng được nâng lên. TS Đặng Kim Sơn nhận xét: “Sau khi triển khai Nghị quyết tam nông, Chương trình NTM đã thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc góp phần căn bản thay đổi nhận thức của mọi người. Đây là điểm thú vị, đột phá của phong trao xây dựng NTM làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về nông nghiệp trong xã hội, tạo lên sức sống mới để đi tiếp trên con đường triển khai Nghị quyết về tam nông”.

Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là 20% số xã đạt NTM vào năm 2015 và 50% số xã vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, không có cách nào khác là phải tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của người dân ở nông thôn, qua đó Chương trình NTM mới có sức sống bền vững theo đúng chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra là xây dựng một bộ mặt nông thôn văn minh, hiện đại, tiến tới giảm khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và đô thị.

Lê Hân (Lê Hân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem