Hàng giả như thật
Ngày 30.5, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) phối hợp với Đại sứ quán Pháp đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Hỗ trợ các cơ quan hữu quan Việt Nam trong đấu tranh chống hàng giả có tác hại đối với sức khỏe hoặc sự an toàn của người dân tại khu vực tiểu vùng sông Mekong”.
|
Lực lượng chức năng bắt một vụ sản xuất, tiêu thụ rượu giả. I.T |
Tại hội thảo, đại tá Trần Đức Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết: “Từ năm 2004 - 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, khám phá gần 2.800 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Năm 2012 có số vụ cao nhất với 554 vụ. Bình quân, số vụ tăng hơn 32% so với các năm, đang trở thành một thách thức đáng báo động”.
Các điều tra viên cũng cho biết một thực tế, hàng giả, hàng nhái hiện rất khó phát hiện theo cách nhận biết thông thường; rất khó phân biệt với hàng thật. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng như rượu, thuốc tân dược giả đang diễn biến hết sức phức tạp; trên nhiều tuyến đường bộ, đường biển, hàng không và bưu điện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Cục Quản lý dược thường xuyên phối hợp với công an, quản lý thị trường kiểm tra các đơn vị sản xuất thuốc tân dược được cấp phép, xử lý kịp thời những vi phạm, phòng chống tình trạng sản xuất thuốc tân dược giả, kém chất lượng.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)
Ngoài ra, các khó khăn do thiếu công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ phân biệt hàng giả, hàng nhái, khó khăn đối với lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ chống buôn bán, sản xuất hàng giả hiện nay còn nằm ở mặt chính sách, quy định của pháp luật, cụ thể như thiếu tính đồng bộ trong quy định các biện pháp kiểm tra, khám xét... các đối tượng vi phạm.
Hàng xa xỉ chủ yếu qua đường không
Ông Nguyễn Phi Hùng – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: “Tuyến hàng không, bưu điện quốc tế thường diễn ra các hoạt động buôn lậu các mặt hàng gọn nhẹ, giá trị cao như thuốc tân dược, quần áo thời trang, hàng xa xỉ phẩm, điện thoại di động với thủ đoạn chủ yếu là giấu trong người, hành lý, không khai báo khi xuất nhập cảnh...
Đối tượng chủ yếu tiếp tay cho buôn lậu là tổ lái, tiếp viên trên máy bay, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần trên tuyến... Tuyến đường bộ trọng điểm là địa bàn các cửa khẩu lớn ở cả 3 miền. Hàng giả chủ yếu là đồ điện tử, gia dụng, quần áo, giày dép mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới và Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là hàng hóa thuộc diện tạm nhập - tái xuất, do phương thức vận chuyển chủ yếu là container, quãng đường vận chuyển dài, qua nhiều địa bàn, khối lượng hàng lớn nên thường gây hậu quả lớn”.
Theo lực lượng hải quan và quản lý thị trường, mặt hàng rượu, tân dược giả được nhiều loại tội phạm hướng đến thị trường Việt Nam vì lợi nhuận cao, người dân thiếu thông tin về hai loại mặt hàng này. Bà Socorro Escalante – đại diện Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống thuốc giả tại Việt Nam - cho hay: “Hiện tại sự gia tăng các sản phẩm thuốc chữa bệnh giả, thiết bị y tế giả rất cao, riêng khu vực tiểu vùng sông Mekong đã chiếm 1/3 toàn thế giới.
Như chúng ta đã biết, đã có nhiều trường hợp tử vong vì dùng phải thuốc giả, kém chất lượng. Theo khảo sát của chúng tôi, địa bàn TP.HCM, tình trạng buôn bán thuốc giả diễn biến phức tạp và sôi động nhất”. Bà Socorro cũng phân tích: Để xảy ra tình trạng phức tạp này là do lỗ hổng pháp luật của các nước trong khu vực, vì vậy các nước trong khu vực này cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp chống lại loại tội phạm này và cần có khung pháp lý chung cho việc nhập khẩu các loại thuốc tân dược ngay tại cửa khẩu.
Thắng Quang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.