Buôn sim đẹp hết thời, 'cò' sim chuyển nghề đổi số

Thứ tư, ngày 04/04/2012 12:30 PM (GMT+7)
Giá nhập sim VIP đắt đỏ, khách mua thưa dần, nhà mạng siết chặt quy định về hạn sử dụng..., không ít dân buôn trong lĩnh vực này quay sang nhận cát tiền, đổi chủ số đẹp, mong cầm cự qua ngày.
Bình luận 0

Cả nửa đầu tháng 3, anh Nguyễn Văn Phúc, kinh doanh sim số đẹp trên phố Kim Mã, Hà Nội chỉ bán được 9 chiếc, bao gồm cả loại lộc phát, tam hoa đắt tiền và số năm sinh bình dân. Điều này chỉ bằng một phần 3 so với thời thịnh vượng cách đây 2 năm. Nhưng đó lại là kỳ tích nếu tính từ giữa năm ngoái đến nay.

Anh Phúc kể, từ tháng 7 năm 2011 đến nay, trung bình mỗi tuần anh chỉ bán được một đến 2 sim đẹp. Nếu rơi vào dịp lễ, Tết, người mua chọn sim làm quà thì có thể nhỉnh hơn đôi chút. Ế quá, mới đây, anh xoay sang đổi sim cho người mua và đồng nghiệp. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán bằng sim đang dùng hoặc sim bỏ trống và một khoản tiền cát thêm, tùy vào giá trị từng số.

Ảnh minh họa.
Dân buôn sim VIP chuyến sang đổi số để dễ tiêu thụ hàng. Ảnh minh họa.

Chủ kinh doanh này chia sẻ thêm, đây thực chất là hình thức mua của người chán, bán cho người cần, không thuần túy phải chọn toàn những số đẹp. "Miễn là không quá xấu, mình bán số của mình, nhập số của khách rồi liên kết với anh em đồng nghiệp tìm khách. Nhiều khi số chẳng phải tam hoa, tứ quý gì nhưng đúng loại khách tìm để ghép đôi hay theo ý nghĩa ngày tháng, lại rất được giá, mà chi phí nhập lại thấp", anh Phúc giải thích.

Theo anh Phúc, không ít người muốn mua sim đẹp nhưng lại không có đủ tiền, trong khi số cũ họ không cần sử dụng đến nữa. Nếu được cát số, bớt đi một khoản chi phí phải thanh toán, nhiều người sẽ khả năng mua hơn. Thậm chí, trong trường hợp khách cần tiền, muốn đổi số đẹp, giá bạc triệu lấy hàng bình dân, anh cũng chấp nhận. Bởi nhập sim VIP từ người muốn bán vẫn rẻ hơn từ dân buôn hay anh phải chủ động đi gạ mua số đẹp.

Cũng làm theo cách đó, song anh Nguyễn Văn Hưng, một người kinh doanh sim số đẹp hơn 5 năm ở Hà Nội lại tập trung đổi sim với đồng nghiệp. Điều này khiến giao dịch của anh Hưng không nhiều về số lượng nhưng đảm bảo chất lượng, hoàn thiện dần bộ sưu tập số đẹp mà không cần đầu tư quá nhiều tiền.

"Chẳng có nhiều tiền để chơi sim đâu, nhưng số đẹp thì vẫn còn. Nay bảo bán cũng khó vì khách ít, anh em cùng nghề cùng cảnh cả, thành ra thích sim đẹp thì đổi chéo nhau, cát thêm ít tiền thôi", anh Hưng nói.

Ngoài ra, anh Hưng cho hay, các nhà mạng hiện nay đều siết về hạn sử dụng của sim. Theo đó, nếu ôm quá lâu một số đẹp, quên không "chăm sóc" thì cũng rất khó giữ. Thay vào đó, anh đổi chủ để làm mới bộ sưu tập và luôn có hàng mới, đăng lên để khách có nhiều sự lựa chọn.

Hiện, cách thức kinh doanh này được không ít dân buôn sim đăng tin áp dụng tại nhiều diễn đàn, trang mạng như SSC, mua rẻ hay rồng bay... "Cần chuyển nhượng sim 09xxx26789, giá 11 triệu trao tay, nhận cát sim bù tiền", thành viên huyvumiu rao trên SSC.

Tuy nhiên, bản thân những người kinh doanh theo phương thức này cũng chỉ coi đó là cứu cánh qua ngày bởi có khá nhiều hạn chế. Nếu nhập phải số xấu, khó bán, người buôn có thể mất vài tháng "nuôi" sim hợp đồng trả sau hay luôn canh cánh phát sinh cước nếu đó là thuê bao trả trước.

Thêm đó, thay vì chuyển đổi một số di động khi mua bán, người kinh doanh sẽ phải tiến hành giao dịch 2 lần. Đó là vừa sang tên sim mới cho khách, vừa làm hợp đồng nhận sim cũ mà khách đang dùng hay đang không sử dụng tới.

"Nếu không phải hàng của 'thợ' thì chắc chắn sim mình mua lại là sim đã dùng rồi. Mà khách chẳng ai thích mua sim nguyên kit, tránh tranh chấp và tiếp người quen của thuê bao cũ nên cũng khó lắm, lựa được ngày nào hay ngày đó thôi", anh Nguyễn Văn Phúc nói.

Theo VnExpress
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem