Mong mỏi mỏi mòn
“Khi một làn đường dành riêng cho buýt nhanh được phân trên đại lộ Võ Văn Kiệt hồi năm ngoái, tôi cứ tưởng mình sẽ sớm được ngồi trên đó để đi làm rồi. Ai ngờ, đường riêng đã có mà nghe đâu cứ thế bàn tới bàn lui. Thiệt không hiểu được”, chị Huỳnh Thị Ái, nhà ở đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, nhưng làm kế toán ở một công ty trên đường Nguyễn Minh Sang, quận Thủ Đức, nói.
BRT ở Hà Nội đang bị “ném đá” nên TPHCM sợ lây, dù hoàn cảnh và thực tế của hai tuyến buýt ở hai địa phương hoàn toàn khác nhau.
Theo chị Ái, hàng ngày chị phải chạy xe máy dọc cung đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, rồi ra xa lộ Hà Nội quẹo ngược lại đường Nguyễn Minh Sang, cứ thế chứng kiến biết bao vụ tai nạn giữa xe máy và xe tải mà đâm ra sợ. “Buýt nhanh chạy dọc cung đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ là hoàn toàn hợp lý, vì đường luôn thông thoáng, và rất cần vì đường có rất nhiều xe tải nặng”, chị Ái khẳng định.
Anh Tân, một tài xế của SaigonBus cho rằng, buýt nhanh mà chạy trên cung đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ thì sướng gì bằng. “Đảm bảo khi đưa vào sử dụng, tuyến buýt nhanh trên cung đường này sẽ phát huy hiệu quả tối đa. Bởi sẽ không gây kẹt xe như Hà Nội, bởi hành khách sẽ lên buýt hết vì vừa nhanh, vừa an toàn tối đa”, anh Tân nói và đưa ra viện dẫn: hồi trung tuần tháng 8.2015, khi chủ đầu tư dự án tuyến buýt nhanh số 1 với thuyết minh sẽ tạo không gian xanh, các tiện ích công cộng, giảm áp lực giao thông và chi phí đi lại cho những người dân địa phương. Theo đó, buýt nhanh số 1 sẽ xây dựng các trạm dừng, nhà ga, cầu đi bộ và không gian công cộng như công viên, cây xanh, cảnh quan trên hành lang Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ. Đặc biệt, buýt nhanh là những xe hiện đại, thông minh…
Theo ghi nhận của phóng viên, khẳng định của chị Ái hay chia sẻ của anh Tân là hoàn toàn có cơ sở, khi mà hiện tại đi dọc cung đường buýt nhanh dự kiến đi qua từ vòng xoay An Lạc đến Rạch Chiếc, đường cơ bản luôn thông thoáng. Cụ thể, một phần đường dành cho buýt nhanh được “quy hoạch” trên đại lộ Võ Văn Kiệt giờ rất ít xe máy chạy vào, dù được phép, vì làn đường cho xe máy trên đại lộ này chẳng bao giờ kẹt. Ngoài ra, khi có tuyến buýt nhanh, hiện đại, an toàn, tiện lợi thì không cần cấm dân cũng tự bỏ xe máy. Hoặc khi có hệ thống xe buýt tương đối tốt, lúc đó mới hạn chế dần xe máy. Với tình trạng xe buýt vừa chậm vừa bẩn hiện nay, mọi đề xuất hạn chế hay cấm xe máy chắc chắn phá sản.
12 năm rồi vẫn chần chờ
Người dân đang mong mỏi chính quyền đẩy nhanh thi công và đưa vào sử dụng tuyến buýt số 1 này đúng theo kế hoạch đề ra là tháng 12.2018. Thế nhưng, mới đây sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục mở một buổi hội thảo và yêu cầu chủ đầu tư tính toán lại hiệu quả. Lý do không khó đoán là vì buýt nhanh ở Hà Nội đang bị “ném đá” nên TP.HCM sợ lây, dù hoàn cảnh và thực tế của hai tuyến buýt ở hai địa phương hoàn toàn khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng việc triển khai dự án tuyến buýt BRT số 1 tại TP.HCM là thực sự cần thiết. Theo bà Hằng, việc này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bộ khung cho hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Tuy nhiên, xét trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, với điểm đầu của tuyến trong giai đoạn chưa xây dựng bến xe Miền Tây mới ở huyện Bình Chánh là từ vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân và điểm cuối là ga Rạch Chiếc, quận 9, bà Hằng cho rằng để tuyến BRT này hoạt động hiệu quả cần kéo dài lộ trình để kết nối giữa hai bến xe Miền Đông và Miền Tây mới đang được xây dựng – tức từ huyện Bình Chánh đến quận 9. Với lộ trình này, sản lượng hành khách đi BRT sẽ tăng cao do tận dụng được nhiều tuyến xe buýt thường hiện hữu đang hoạt động.
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật cầu – đường – cảng TP.HCM, cũng cho rằng, sự việc đưa vào hoạt động tuyến buýt BRT không cần bàn cãi. “Chúng ta nên mạnh dạn thực hiện, chứ nếu cứ chờ đến lúc đạt được sản lượng như mong đợi thì không biết đến bao giờ mới có thể triển khai,” ông Trường nói.
Theo ông Lương Minh Phúc, trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị TP.HCM, chủ đầu tư dự án, chưa có một dự án giao thông công cộng nào lại nhận được nhiều sự quan tâm như tuyến BRT số 1. Nhưng vấn đề đặt ra là phải có sự đồng thuận trong dư luận, không nên chỉ xem tuyến BRT số 1 là một tuyến mà phải nhìn nhận đây là bước khởi đầu của cả một hệ thống.
Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.