Cá chết hàng loạt vì... sốc nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Trọng Bình - Tấn Kiên Thứ bảy, ngày 09/08/2014 07:18 AM (GMT+7)
Năm nay, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đổ về sớm hơn từ thượng nguồn khiến dòng nước chảy mạnh làm người nuôi cá thiệt hại nặng. Theo thống kê, đã có tới 50% lượng cá thả trên ao bị chết vì… sốc nước.
Bình luận 0

Nước đổ về bất thường

Khoảng hơn 2 tuần nay, ở các huyện đầu nguồn hoặc các vùng nuôi ven sông Hậu thuộc địa phận tỉnh An Giang, người dân ngày nào cũng vớt được cá chết. Anh Út Thiện, một chủ bè cá tra ở ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên vừa vớt cá vừa nói: “Cá chết vào mùa nước lũ là bình thường nhưng chết nhiều như năm nay thì chúng tôi không hiểu nổi”. Không chỉ có cá tra, các lọai cá nuôi khác như điêu hồng, mè Vinh, cá he, cá chim cũng chết rất nhiều. Ông Lê Văn Mẫm, một nông dân nuôi cá lâu năm ở ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng nói: “Năm nay nước xoay (nước đổ từ thượng nguồn về) sớm hơn và dòng nước đạp mạnh (chảy mạnh) hơn mọi năm, nên cá bị sốc mạnh, phần vì áp lực nước, phần vì nước đục nhiều nên cá bỏ ăn, dẫn tới hiện tượng chết hàng loạt”.

Cũng chính vì cá chết liên tục, nhiều người ở đây đã phải bán hết cả bè, giá cá vì thế cũng rớt liên tục. “Năm rồi cá chim lúc thấp nhất cũng được 24.000 đồng/kg, nhưng mấy ngày nay chỉ còn 17.000 – 18.000 đồng/kg. Với giá này cộng thêm hao hụt do cá chết, người nuôi lỗ nặng, nhiều hộ đành phải treo bè” – ông Mẫm cho biết.

Theo một số hộ nông dân ở đây, vào mùa nước đổ, nguồn nước đục mang theo rất nhiều loại ký sinh trùng, từ đó chúng tấn công và làm cá bị bệnh. Các bệnh của cá thường gặp trong mùa nước đổ là phù đầu, lồi mắt, gan thận bị mủ, trắng gan, trắng mang… Đây là những bệnh do cá bị sốc nước, bỏ ăn mất sức và nhiễm ký sinh trùng trong nguồn nước.

Còn tại Đồng Tháp, dù chưa có thống kê chính xác tỷ lệ chết là bao nhiêu, song tại một số nơi cũng đã xuất hiện hiện tượng cá chết nhiều chưa rõ nguyên nhân (tại vùng có cá chết không xuất hiện dịch bệnh). Hiện Chi cục Thú y Đồng Tháp đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm.

Không thả vào mùa nước đổ

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản An Giang, tổng diện tích nuôi cá thịt đã được thu hoạch toàn tỉnh tính đến nay khoảng 900ha với tổng sản lượng gần 155.000 tấn. Trước tình hình cá chết hàng loạt, ngành nuôi trồng thủy sản An Giang đang thống kê lại số bè và các hộ bị thiệt hại. Theo nhận xét của cơ quan quản lý thủy sản An Giang, tình trạng cá chết hiện không phải do dịch bệnh mà lo ảnh hưởng môi trường nước thay đổi đột ngột (chuyển từ nước trong sang nước đục phù sa và chảy xiết do áp lực nước đầu nguồn).



Ông Trần Hoàng Hùng
 

Hiện tại, do thói quen, người dân thường thả nuôi ngay thời điểm nước đổ, nếu chết thì lại thả lại. Bà con cần khắc phục tình trạng này, cũng như thực hiện theo khuyến cáo của ngành thủy sản về quy trình thả nuôi”.

 
Hiện hầu hết các hộ nuôi cá ở An Giang đều có… cá chết, hộ thấp thì 10%; nhiều người nuôi có tỷ lệ cá chết từ 40 - 50%, thậm chí cao hơn (chủ yếu rơi vào những hộ mới nuôi, còn thiếu kinh nghiệm).

 

Ông Trần Hoàng Hùng - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: “Để tránh thiệt hại và rủi ro cho các hộ nuôi cá trong mùa nước nổi, chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi không nên thả giống vào thời điểm nước đổ. Nếu thả trong thời điểm này thì nên chọn cá giống lớn”. Còn về thức ăn, ông Hùng cho biết, các hộ dân nên tăng cường vitamin C cũng như chọn những loại thức ăn tăng chất đề kháng cho cá, đặc biệt cần né thời điểm con nước đổ khi thả giống vụ mới.

Thạc sĩ Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp, cũng cho biết: “Cá chết hàng lọat là do hiện tượng tự nhiên, điều kiện thời tiết thay đổi như nước đổ, nhiệt độ thấp, gió mạnh, mưa nhiều. Ở Đồng Tháp năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này (bắt đầu mùa nước nổi đầu cuối tháng 7) thì cá nuôi chết hàng loạt, chủ yếu là do bệnh gan thận mũ do cá yếu sức đề kháng. Ai nuôi cá vào thời điểm này cũng bị chết, không nhiều thì ít”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem