Ca kỹ tư thời Trung Hoa cổ đại có phải... gái bán dâm?
Ca kỹ tư thời Trung Hoa cổ đại có phải... gái bán dâm?
MA
Thứ bảy, ngày 09/12/2023 21:51 PM (GMT+7)
Ca kỹ tư xuất hiện khoảng đời Đường, đến Tống, ca kỹ tư thịnh hành cùng với sự hưng thịnh của quán rượu, kỹ viện nhà ngói, đến đời Minh bước sang thời phồn thịnh. Tuy nhiên, họ không hẳn là gái bán dâm...
Theo nhà nghiên cứu Đàm Đại Chính, tư kỹ là một loại kỹ nữ của Trung Quốc thời cổ đại, ngược lại với quan kỹ. Quan kỹ, hoặc trong danh sách tôi tớ mua vui (do quan lại nuôi, bình thường làm gái chỉ nhận một chút tiền), hoặc nộp thuế ca kỹ hàng tháng.
Nộp thuế hàng tháng đã có tính chất chuyển qua chế độ kinh doanh tự nuôi, có thể xem là quá độ sang chế độ ca kỹ tư, nhưng nó vẫn thuộc người do bộ máy quan lại trực tiếp quản lý, vẫn phải thực hiện nghĩa vụ do quan sai phái. Nhưng ca kỹ tư tính chất đã khác. Họ không phải là con nhà bình thường, cũng không phải là nữ nô, nô tì. Phần đông họ bắt đầu là con nhà lành, là người tự do. Họ không thuộc danh sách sai phái của cửa quan, cũng không phải nộp thuế cho nhà nước hàng tháng. Họ cũng không tinh thông ca múa tạp kỹ bằng ca kỹ nhà quan, ca kỹ nhà giàu, chủ yếu hiến dâng nghệ thuật, họ chủ yếu là bán dâm và đã gần giống với ý nghĩa đĩ điếm hiện nay.
Ca kỹ tư xuất hiện khoảng đời Đường, đến Tống, ca kỹ tư thịnh hành cùng với sự hưng thịnh của quán rượu, kỹ viện nhà ngói, đến đời Minh bước sang thời phồn thịnh. Tây Môn Khánh được miêu tả trong "Kim Bình Mai" thế thiếp hàng đàn vẫn còn đến kỹ viện tìm hoa phấn mua vui; những chuyện buồn vui tan hợp của các công tử Vương Kim Long và Tô Tam trong kinh kịch "Ngọc đường xuân"; cảnh ngộ bất hạnh của Đỗ Thập Nương trong truyện ngắn đời Minh "Đỗ Thập Nương giận dìm rương bách bảo", đã vẽ cho chúng ta một bức tranh ngắn gọn về tình trạng kỹ nữ thời Minh.
Đời Thanh đã bước vào thời đại chủ yếu là kỹ nữ tư. Năm thứ 8 Thuận Trị (1651) và 16 (1659) đã hai lần cắt giảm giáo phường, "nữ nhạc" ở kinh sư, Khang Hy năm thứ 12 (1673) lại ra lệnh cấm. Từ đó chế độ giáo phường ở kinh sư và các tỉnh lưu truyền bao đời bị phá vỡ, dọn dẹp; nghề kỹ nữ chính thức bước vào thời kỹ nữ tư, chủ yếu là "thời đại kinh doanh kỹ nữ tư nhân". Đầu nhà Thanh, chế độ quan lại tương đối sáng suốt, cấm quan lại, nhân sĩ vào kỹ viện, lại thêm kinh tế chưa phồn vinh lắm, nghề ca kỹ chưa hưng vượng mấy. Nhưng đến thời Càn Long mấy lần xuống Giang Nam, thói hào hoa xa xỉ dần dần nổi lên. Đến giữa thời Thanh, nghề kỹ nữ tư phát triển rất mạnh. Các nơi Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Ninh Ba, Dương Châu, Quảng Châu kỹ nữ tư rất nhiều, "váy giày ca hát" "rất phồn thịnh".
Trung Quốc cổ đại ca kỹ khởi nguồn từ nữ nhạc, rất coi trọng kỹ xảo nghệ thuật, đánh giá phẩm cấp ca kỹ, trước hết xem tài rèn luyện ngón nghề và lễ nghi xã giao thù tiếp ứng đối, sau đó mới nói đến công năng sắc đẹp và tình dục. Kỹ nữ Trung Quốc cổ đại lấy tinh thông thơ ca từ khúc xem là thời thượng, rất nhiều người hiểu âm luật, thông thơ văn (nên thường kết duyên với văn nhân học sĩ) và thúc đẩy thơ ca từ khúc phát triển. Về sau do loạn An - Sử thời Đường và thời Tống chuyển về nam, kỹ nữ phía nam giành được địa vị của kỹ nữ phía bắc, nam giới cũng xuất hiện sự thay đổi về tâm lý thẩm mỹ từ "xem sắc là sản phẩm phụ" đến "trọng sắc, trọng dung nhan".
Theo Đàm Đại Chính, đem so sánh quần thể kỹ nữ Trung Quốc cổ đại với các tầng lớp phụ nữ khác, tuy địa vị xã hội của họ tương đối thấp, nhưng cá tính họ biểu hiện tự do và rộng mở hơn. Họ không bị ràng buộc bởi lễ tục, có thể cùng ngồi chung vui với nhiều nam giới, có thể ứng đối thoải mái với nhiều sĩ tử, ca hay múa đẹp, phấn son mời nâng chén, gọi thẳng tên họ công khanh, bình phẩm tùy thích nhân sĩ triều đình, có phong độ lãng mạn phóng khoáng, các tầng lớp phụ nữ khác trong xã hội cổ đại Trung Quốc khó sánh kịp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.