Trong những năm cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, thiên hạ đại loạn. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều anh hùng, hào kiệt, đặc biệt là các võ tướng tài ba. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, việc đánh bại một võ tướng không khó. Tuy nhiên, giết chết một võ tướng hàng đầu lại rất khó.
Trên thực tế, chỉ có một số ít người lập được kỳ tích này. Đó là Quan Vũ, Hoàng Trung và Triệu Vân. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng trong ba chiến tích giết võ tướng của Quan Vũ, Hoàng Trung và Triệu Vân, đâu là thử thách khó nhất?
Để tìm được đáp án, trước hết cần phải xem xét thật kỹ lưỡng về ba chiến tích này.
Thứ nhất, Quan Vũ chém Nhan Lương
Theo ghi chép trong Tam Quốc chí, Nhan Lương là tướng có chức vụ cao nhất và nổi bật nhất ở dưới trướng của Viên Thiệu. Trong Tam Quốc diễn nghĩa còn mô tả ông là một võ tướng rất dũng mãnh. Rõ ràng, xét về thành tích, Nhan Lương hoàn toàn có khả năng trở thành một vị tướng hàng đầu. Thậm chí, luận về võ công, Nhan Lương cũng có khả năng ngang ngửa với Quan Vũ.
Trong trận Bạch Mã năm 200, Nhan Lương liên tiếp tiêu diệt các tướng của Tào Tháo là Ngụy Tục và Tống Hiến. Sau đó, Tào Tháo phái tướng dũng mãnh dưới trướng là Từ Hoảng đi đánh Nhan Lương. Kết quả, Từ Hoảng bị danh tướng của Viên Thiệu đánh bại chỉ sau 20 hiệp. Điều này khiến tất cả các võ tướng và binh lính có mặt ở đó đều chấn động. Từ điểm này có thể thấy Nhan Lương quả thật có thực lực của một chiến binh hàng đầu.
Theo lẽ thường, Quan Vũ muốn đánh bại một võ tướng mạnh như Nhan Lương là không dễ, huống chi là chém chết ngay lập tức. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, dưới lệnh của Tào Tháo, Quan Vũ đã chém chết Nhan Lương lúc võ tướng này chưa kịp trở tay.
Tuy nhiên, khi phân tích chiến tích chém Nhan Lương của Quan Vũ sẽ phát hiện ra có 2 điểm bất thường. Thứ nhất, Nhan Lương và đại quân của Viên Thiệu cư xử rất kỳ lạ khi thấy Quan Vũ. Cụ thể, khi Quan Vũ từ doanh trại của Tào Tháo xông tới, đại quân của Viên Thiệu không hề chống cự, ngược lại còn trực tiếp nhường đường. Điều này quả thật khó tin khi hai bên tham chiến đang giao tranh.
Hơn nữa, khi Quan Vũ xông tới trước mặt Nhan Lương cũng hoàn toàn không bị ngăn cản. Điều đáng ngạc nhiên chính là Nhan Lương, đại tướng thống lĩnh đại quân của Viên Thiệu lại chưa sẵn sàng chiến đấu. Võ tướng này hoàn toàn không coi Quan Vũ là kẻ địch.
Thứ hai, Lưu Bị từng bí mật nói chuyện với Nhan Lương
Khi Nhan Lương thống lĩnh đại quân đi đánh Tào Tháo, Lưu Bị đã bí mật tiếp cận, với hy vọng võ tướng này sẽ giúp ông chiêu mộ Quan Vũ đầu hàng. Đồng thời ông cũng nói cho Nhan Lương biết về diện mạo cụ thể của Quan Vũ.
Kết hợp chi tiết này với cách cư xử trở tay không kịp của Nhan Lương, rõ ràng danh tướng của Viên Thiệu nghĩ rằng Quan Vũ là người của Lưu Bị nên đã không đề phòng. Thật không ngờ Quan Vũ lại ra tay dứt khoát khiến Nhan Lương bị mất mạng. Do đó, có thể nói chiến tích chém Nhan Lương của Quan Vũ là khá dễ dàng.
Thứ hai, Hoàng Trung giết Hạ Hầu Uyên
Chiến tích Hoàng Trung giết chết Hạ Hầu Uyên, đại tướng của Tào Tháo, xảy ra trong trận chiến ở núi Định Quân. Đầu năm 219, sau khi vượt qua sông Miện Thủy, Lưu Bị đóng quân hạ trại ở núi Định Quân. Hoàng Trung được lệnh cầm một cánh quân làm nhiệm vụ mai phục ở phía sau đỉnh núi này.
Lúc bấy giờ, tướng của Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên do không biết là mưu kế nên mang toàn quân tới đánh doanh trại của Lưu Bị. Trong khi hai bên giao tranh kịch liệt, Hoàng Trung dẫn quân đột ngột tấn công. Kết quả, quân Tào bị đánh tan tác. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, nhân vật Hoàng Trung tự tay chém chết Hạ Hầu Uyên.
Đánh giá về chiến tích này, các sử gia cho rằng Hoàng Trung tấn công lúc Hạ Hầu Uyên đã nới lỏng cảnh giác. Hơn nữa, khi Hoàng Trung tấn công, Hạ Hầu Uyên cùng toàn quân đã dốc nhiều sức trong trận giao tranh với Lưu Bị. Vì vậy, việc Hoàng Trung giết chết Hạ Hầu Uyên không phải là thử thách quá khó. Ngoài khả năng chiến đấu tuyệt vời của "lão tướng" Hoàng Trung, mấu chốt của chiến công này là Lưu Bị đã có sự chuẩn bị từ trước.
Thứ ba, Triệu Vân đâm Cao Lãm
Triệu Vân đụng độ với Cao Lãm, mãnh tướng của Viên Thiệu và sau đầu hàng Tào Tháo, trong trận chiến ở Nhưỡng Sơn vào năm 201. Khi đó, Lưu Bị phải tháo chạy khỏi sự truy đuổi của quân Tào. Triệu Vân đã hỗ trợ để Lưu Bị có thể rút lui an toàn.
Danh tướng được ca ngợi là "Hổ uy tướng quân" đã có trận đơn đấu với Hứa Chử, mãnh tướng của Tào Tháo. Khi cả hai giao đấu bất phân thắng bại, hai viên tướng khác của Tào Tháo là Lý Điển và Vu Cấm cũng đuổi tới. Dù một mình bị bao vây giữa ba mãnh tướng nhưng Triệu Vân vẫn không hề nao núng.
Sau khi chạy được một đoạn, Lưu Bị lại gặp nhóm quân Tào do Cao Lãm, Trương Cáp chỉ huy đuổi đến. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Cao Lãm là mãnh tướng được đánh giá là có khả năng đánh tay ngang với Hứa Chử và Từ Hoảng. Trong thời khắc nguy cấp khi Cao Lãm sắp đuổi kịp Lưu Bị, Triệu Vân bất ngờ xuất hiện và đâm chết Cao Lãm chỉ trong vòng chưa tới 3 hiệp. Ngoài ra, Triệu Vân cũng đánh lui được Trương Cáp trong 30 hiệp.
Rõ ràng Cao Lãm có nhiều quân ở phía sau. Triệu Vân đơn thương độc mã hạ gục nhiều người như vậy trước khi xông tới tấn công Cao Lãm sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này đủ điều kiện cho Cao Lãm chuẩn bị phòng thủ. Hiệu quả chiến đấu của Cao Lãm khi đó rất cao. Tuy nhiên, Triệu Vân nhanh chóng đánh dẹp binh lính của Tào Ngụy, xông tới đâm chết Cao Lãm một cách nhanh chóng.
Liên tiếp chạm trán và giao chiến với 5 võ tướng dũng mãnh của Tào Tháo nhưng Triệu Vân vẫn có thể đánh bại, thậm chí đâm chết Cao Lãm để bảo vệ an toàn cho Lưu Bị. Như vậy, theo các chuyên gia, độ khó để Triệu Vân giết Cao Lãm rõ ràng khó hơn nhiều so với hai chiến tích của Quan Vũ và Hoàng Trung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.