Chỉ trong vòng chưa tới 10 năm nhưng gần 30 hộ dân ở làng Tân Hải, xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) phải dời nhà chạy nạn cát bay, cát nhảy tới hai lần. Những đụn cát to như núi cứ hình thành, bay sàn sạt, lấp hết ruộng vườn, nhà cửa khiến người dân không thể ở nổi...
Tân Hải là làng biển bãi ngang. Thuyền nhỏ, ngư cụ mỏng nên nghề biển cũng không đủ cho người dân Tân Hải có cuộc sống ấm no. Thế nên, ngoài nghề biển người dân Tân Hải còn phải trằn lưng khai hoang những chân cát để trồng thêm cây khoai, cây sắn nhằm đảm bảo cuộc sống.
Thế mà mấy năm gần đây, người dân Tân Hải phải chịu thêm cơn ác mộng đói nghèo bởi nạn cát bay, cát nhảy cứ đuổi miết họ. Theo cách ví von đắng cay của nhiều người, Tân Hải giờ có thêm tên mới là làng chạy cát...
|
Người dân Tân Hải dùng ống bi xây kè chống cát. |
Cát nuốt làng
Chúng tôi về Tân Hải trong một ngày nắng nóng gay gắt. Mặt cát rát bỏng, hầm hập phả hơi nóng. Làng Tân Hải nằm lọt thỏm giữa những ụ cát cao ngất như núi.
Trưởng thôn Tân Hải Nguyễn Thanh Sâm dẫn tôi trèo lên một ụ cát cao ngất, nơi có thể nhìn bao quát được toàn thôn, tiếc nuối nói: “Ngày trước những cây phi lao người dân trồng để chống cát nằm tận ngoài mép nước biển kia. Qua thời gian, biển cứ ngoạm dần, nuốt mất rặng phi lao.
Không còn rặng phi lao chống chắn, cát ngoài biển cứ vô tư theo từng cơn gió mạnh ùn lại thành núi, bao vây lấy làng Tân Hải. Bây giờ thì các anh thấy đó, cát đã tràn cả vào làng. Trong nhà, cát bay rào rào đến mức không thể mở được cửa; ngoài đồng, cát chảy lấp kín chân ruộng, sau mỗi mùa mưa người dân chúng tôi lại phải bới cát lên mới lấy lại được ruộng”.
Trong ngôi nhà mới xây tạm không kịp tô trát ở cuối thôn Tân Hải, ông Nguyễn Tiệu (60 tuổi) nhớ lại những ngày cả gia đình ông khổ sở vì cát. Nhà cũ của ông chỉ cách bờ biển thôn Tân Hải chừng 100m. Mùa đông, gió thổi sàn sạt, cát bay rào rào ngoài phên cửa. Bữa cơm của gia đình ông thường xuyên lẫn cát.
Năm 2005, sau một trận bão, gió “đánh” cát từ bờ biển vun thành đống, lấp cả vườn phi lao sau nhà ông. Cát chảy xuống lấp ao cá, sân vườn và rồi ngôi nhà cũng bị núi cát đổ xuống. Gia đình ông phải một phen tá hỏa chạy “lũ” cát. Giờ đây, vợ chồng ông đã có nơi ở mới, nhưng những trận mưa, gió cát vẫn còn ám ảnh.
|
Bà Nguyễn Thị Mẹo nhặt những tấm bê tông vỡ lát sân để chống nạn cát bay. |
Theo Trưởng thôn Nguyễn Thanh Sâm, cát bắt đầu “bay nhảy” mạnh kể từ năm 2005, khi những cây phi lao chống, chắn cuối cùng bị sóng biển nuốt chửng. Hiện 5km bờ biển chạy dọc thôn Tân Hải trống trơn, không có cây chắn gió. Kéo theo là nạn cát bay, cát chảy và sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Đã có 30 gia đình phải bỏ nhà di chuyển đến nơi ở mới và hiện còn gần 100 hộ khác ở sát biển đang phải gồng mình chống nạn cát bay, cát nhảy...
Nghèo vì chạy... cát
Cả đời chắt bóp, vợ chồng ông Hoàng Văn Bật mới xây được căn nhà kiên cố. Thế nhưng cuối năm 2010, ông Bật cũng phải ngậm ngùi bỏ lại cơ ngơi cả đời của mình để tìm nơi tránh cát. Dẫn chúng tôi thăm lại căn nhà cũ gần bờ biển, ông Bật ngậm ngùi, tiếc nuối: “Tui ở đây đã nhiều năm nhưng chưa khi mô như hồi cuối năm 2010, gió mưa lùa cát lấp kín nhà tui. Cát chảy thành dòng, chỉ trong một đêm mảnh vườn thành một bãi cát. Không còn cầm cự được, vợ chồng tui phải bỏ mà đi”.
Cát cứ lấn dần, bỏ đi thì không có tiền làm lại nhà mới, nhiều hộ khác ở Tân Hải vẫn phải cắn răng bám trụ, chịu đựng những trận cát bay, cát nhảy hoành hành. Vợ chồng ông Nguyễn Vâm và bà Nguyễn Thị Mẹo năm nay đã gần 70 tuổi. Không con cháu, ông bà sống trong căn nhà nhỏ dột lỗ chỗ. Không đủ sức để chống chọi với những trận gió cát, nên bữa cơm của ông bà thường lẫn với cát. Nhiều bữa không thể nhai được ông bà già đành ngồi nhìn mâm cơm phủ đầy cát mà ứa nước mắt.
Nhà cũ bị cát vùi lấp, đến nơi ở mới thì không có tiền làm lại nhà. Cái khổ, cái khó cứ thế bám riết lấy làng “chạy cát” này. Phần lớn những người “chạy cát” ở Tân Hải vốn cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi đến nơi ở mới.
Về nơi ở mới đã gần 5 năm nhưng gia đình ông Trần Văn Nuôi vẫn chưa thể hoàn thiện nổi căn nhà. Cả nhà 7 con người phải sống chui rúc, chật chội trong căn nhà nhỏ xây bằng táp lô tự đúc, chưa tô trát được.
Rất nhiều những đứa trẻ của các gia đình “chạy cát” ở Tân Hải phải bỏ học giữa chừng, con trai thì “hành phương Nam” làm phụ hồ và tất tả với hàng trăm công việc nặng nhọc khác, con gái thì về TP.Đồng Hới làm ôsin cho những gia đình khá giả...
Chưa có giải pháp bền vững
Không chỉ cát bay, cát chảy, hàng năm người dân Tân Hải còn phải đương đầu với tình trạng sạt lở do biển xâm thực. Vào mùa mưa lũ, biển lấn sâu vào đất liền hàng chục mét. Mới đây, 10 hộ dân ở cửa Khe Miếu phải di dời ra khỏi khu vực bị sạt lở. UBND Hải Ninh và chính quyền thôn Tân Hải đã nhiều lần tổ chức cho dân dùng bao cát, đóng cọc gia cố để bảo vệ khu dân cư trước sự xâm thực của biển nhưng xem ra chỉ là tạm thời.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, Phạm Văn Liệu thì trồng rừng phòng hộ cho 100ha đồi cát (toàn xã Hải Ninh) và 5km bờ biển ở thôn Tân Hải phải cần đến 500 triệu đồng mua cây giống. Số tiền này vượt quá khả năng của một xã vùng biển bãi ngang như Hải Ninh.
Đến nay thôn Tân Hải đã có 30 gia đình phải bỏ nhà di chuyển đến nơi ở mới và hiện còn gần 100 hộ khác ở sát biển đang phải gồng mình chống nạn cát bay, cát nhảy...
Trưởng thôn Nguyễn Thanh Sâm cho biết, mấy năm qua, thôn cũng đã huy động người dân trồng hàng trăm bụi chứa làm vành đai chắn cát nhưng xem ra loại cây nhỏ bé này cũng không thể ngăn nổi những đụn cát cao ngất trời kia.
Ông Nguyễn Ngọc Giai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Việc chế ngự cát bay, cát nhảy và cát chảy là rất khó ở thôn Tân Hải cũng như ở các xã vùng biển Quảng Bình. Hiện chưa có công trình nào hiệu quả trên cát để giúp người dân hạn chế hữu hiệu cát bay, cát chảy, cát nhảy. Nếu sạt lở thì làm kè, rọ sắt, bao cát để ngăn chặn, nhưng còn cát bồi lấp do mưa gió hoặc nước chảy thì chỉ còn cách trồng cây chắn gió, nhưng trồng cây trên cát không dễ và phải có thời gian”.
Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai chương trình trồng rừng chắn cát nhưng hiệu quả không cao. Rừng phòng hộ ven biển ngày càng mất dần do nhu cầu nuôi thủy sản và những tác động khác của con người.
Và một điều ai cũng hiểu là mất rừng phòng hộ là thiếu đi lá phổi xanh giữa chang chang cát trắng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân vùng biển bãi ngang ở Quảng Bình tiếp tục đối mặt với những khó khăn do cát bay, cát nhảy gây nên...
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.