Cả làng nghề mộc ở Nam Định làm đồ gì mà hễ gần tết là đơn hàng đặt tới tấp?
Cả làng ở Nam Định làm đồ gì mà hễ gần tết là đơn hàng đặt tới tấp?
Mai Chiến
Thứ bảy, ngày 06/01/2024 05:34 AM (GMT+7)
Vào những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao nên những người thợ ở làng nghề mộc thôn Đằng Chương (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) tất bật làm việc không ngơi tay. Để kịp đơn hàng, họ sẵn sàng làm tăng giờ đến hết đêm.
Làng nghề mộc thôn Đằng Chương (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã có từ hàng trăm năm nay. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của chiến tranh, làng nghề biến động và mai một dần. Đến năm 1980, các cụ trong làng cùng người dân khôi phục lại nghề mộc truyền thống của tổ tiên để lại. Ảnh: Mai Chiến.
Làng nghề mộc truyền thống thôn Đằng Chương chuyên sản xuất đồ thờ như bàn thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ, khám thờ… Đây là các mặt hàng tiêu thụ rất mạnh dịp cuối năm. Ảnh: Mai Chiến.
Ngay từ tháng 10 âm lịch, cơ sở sản xuất đồ thờ Chung Yến do anh Vũ Đình Chung (thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) làm chủ hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Hệ thống máy móc chạy liên tục, các lao động làm việc không ngơi tay, tăng ca đến tận đêm để kịp đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Mai Chiến.
Gia đình anh Vũ Đình Chung chuyên sản xuất bàn thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh cung ứng ra thị trường khoảng 200 bộ đồ thờ; vào những tháng cuối năm số lượng tiêu thụ tăng lên khoảng 300 bộ. Ảnh: Mai Chiến.
Giá bán mỗi bộ đồ thờ dao động từ 70 đến hơn 100 triệu đồng, tùy theo chất liệu gỗ, sơn, kích thước… Hiện thị trường tiêu thụ của gia đình anh Chung chủ yếu trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.
Cách đó không xa, cơ sở sản xuất đồ thờ của gia đình anh Vũ Đình Thủy (thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cũng đang tranh thủ thời gian, hoạt động sản xuất tích cực nhằm đảm bảo số lượng phục vụ thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Mai Chiến.
Anh Vũ Đình Thủy chia sẻ, gia đình anh sản xuất đủ các mặt hàng liên quan đến đồ thờ, tuy nhiên chủ lực vẫn là ngai thờ, khám thờ. Thời gian này, cơ sở đang vào giai đoạn sản xuất cao điểm với số lượng đơn hàng nhiều, do đó cơ sở phải tăng cường liên kết với nhiều thợ mộc trong làng để đẩy nhanh các khâu sản xuất. Ảnh: Mai Chiến.
“Hiện nay, gia đình tôi đang bán ngai thờ với giá dao động từ 2 - 4 triệu đồng, khám thờ từ 5 - hơn 10 triệu đồng, tùy theo kích cỡ, chất liệu gỗ, sơn…”, anh Vũ Đình Thủy tâm sự. Ảnh: Mai Chiến.
Các mặt hàng đồ thờ ở làng nghề mộc truyền thống thôn Đằng Chương (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được phun sơn đảm bảo kỹ thuật, với chất liệu sơn PU hoặc sơn son thếp vàng. Ảnh: Mai Chiến.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.