Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Để đảm bảo thực hiện số hoá, thời gian qua Sở TTTT đã tham mưu phát triển hạ tầng số với mạng lưới viễn thông, cáp quang Internet, mạng 3G/4G đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 3 cấp hành chính; trung tâm giám sát, điều hành thông minh (Trung tâm IOC) đã được vận hành, giúp lãnh đạo các cấp theo dõi, giám sát và ra quyết định liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) và Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) của tỉnh, triển khai các thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống và đã kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về tạo lập dữ liệu số, tỉnh đã hoàn thành triển khai 13 cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và 86 tập dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Tư pháp, Sở TNMT đang tập trung thực hiện số hóa, tạo lập dữ liệu hộ tịch, đất đai.
Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh còn nằm trong nhóm thấp của cả nước (đạt 6,57%, chỉ tiêu là 10%). Doanh nghiệp công nghệ số lớn chỉ có 4 doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; có 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về thương mại điện tử có 6.000 hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử với tổng số sản phẩm bán trên sàn 734 sản phẩm.
Về xã hội số, 100% ấp/khóm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Tỷ lệ đã cấp định danh điện tử (mức độ 1, mức độ 2) đạt gần 80% người dân trưởng thành.
Riêng đối với chính quyền số, hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) đã kết nối gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền (từ trung ương đến cấp xã), văn bản điện tử phát hành có ký số (tỷ lệ 97,71%). Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được Bộ TTTT đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến cuối tháng 8 vừa qua.
"Trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 82,81%; thanh toán trực tuyến đạt 75,42%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 80,33%; thanh toán trực tuyến đạt 95,14%", ông Trần Văn Trung – Giám đốc Sở TTTT tỉnh Cà Mau nói.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau khẳng định, chuyển đổi số bước đầu đã đạt được một số thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển dịch cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên không gian số, thúc đẩy và phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Người đứng đầu Sở TTTT tỉnh Cà Mau cho biết, xác định chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân, và chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Do đó, ngành chức năng đã đề ra một số giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Một là, đề xuất Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, cần thiết thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số có thể kể đến các quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư, quản lý dữ liệu cá nhân và bảo đảm tính công bằng trong việc sử dụng công nghệ. Đây là vấn đề cốt lõi, nền tảng làm cơ sở cho việc triển khai chuyển đổi số trong chính các cơ quan nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, mâu thuẫn nội tại.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi ứng dụng trên thiết bị số, sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Ba là, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng internet, bảo đảm băng thông rộng, ổn định, kết nối đến tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Từ đó, hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu về quy mô, độ tin cậy, khả năng truy cập. Đồng thời, tăng cường đầu tư các hệ thống máy chủ đáp ứng yêu cầu về tính bảo mật, an toàn thông tin, khả năng mở rộng.
Năm là, đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển chính quyền số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn. Bảo đảm các cá nhân trong xã hội được tiếp cận dịch vụ công, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông công bằng và đầy đủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.