Cà Mau - Cực Nam tổ quốc với khát vọng làm giàu từ du lịch
Đất Mũi – Cực Nam tổ quốc với khát vọng làm giàu từ du lịch
Huy Hoàng
Thứ bảy, ngày 23/07/2022 15:16 PM (GMT+7)
Đất Mũi – Cà Mau, nơi có những điều đặc biệt, ấn tượng, nơi duy nhất trên đất liền du khách có thể ngắm mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều.
Du lịch Cà Mau thế mạnh về sản vật cùng hàng trăm loài chim quý hiếm
Cà Mau là địa danh nằm cuối của dải đất hình chữ S, không có vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, biển xanh cát trắng, nắng vàng, nhưng lại có thế mạnh về sản vật trù phú của vùng sông nước, có rừng tràm U Minh Hạ, U Minh Thượng với hàng nghìn loài động vật quý hiếm, hàng nghìn loài chim khác nhau…có cột mốc số 0, nơi là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh.
Thú vị hơn, Mũi Cà Mau là phần chót mũi, là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều.
Mỗi du khách khi đến xã Đất Mũi đều mong muốn được chạm vào cột mốc số 0, được đứng trên con tàu Đất Mũi để lưu lại kỷ niệm. Còn với người dân, cột mốc số 0, đất Mũi được coi là biểu tượng, là niềm tự hào để nơi đây phát triển du lịch, có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cột mốc số 0 thuộc ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), cách Thành phố Cà Mau 120km, du khách có thể chọn di chuyển bằng hai phương tiện là tàu thủy hoặc ô tô.
Nếu chọn đi bằng đường bộ, du khách sẽ được trải nghiệm tuyệt vời trên cung đường xuyên rừng đước ngập mặn. Sẽ cảm nhận một màu xanh ngăn ngắt, mênh mông của rước đước xen kẽ là những con kênh trong vắt in bóng lá. Qua hết khu rừng đước ngập mặn, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà có chân hết sức ngộ nghĩnh dọc hai bên đường.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Hoàng Lạc – Chủ tịch huyện Ngọc Hiển cho biết: "Huyện Ngọc Hiển nằm ở vị trí cực Nam của Tổ quốc, ba mặt giáp biển với chiều dài bờ biển hơn 98 km, có nhiều sông rạch lớn, nhỏ nối liền ra biển. Là vùng đất có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng phong phú về chủng loại, nhất là rừng đước với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar thế giới.
Bãi Khai Long và khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đang từng bước phát triển mạnh trong khu vực. Trong những năm qua huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch. các di tích được đầu tư trùng tu, nâng cấp; cảnh quang, môi trường được cải thiện. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình đặc trưng"
Theo ông Trần Hoàng Lạc, huyện đã thành công với đề án "Làng Văn hoá du lịch Đất Mũi". Hiện có 51 hộ dân sinh sống, làm nghề nuôi trồng thuỷ sản (làm vuông) có đời sống kinh tế ổn định. Trong đó, có 06 hộ kinh doanh loại hình du lịch sinh thái cộng đồng đang hoạt động ổn định, thu nhập được cải thiện đáng kể so với trước kia, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nhìn chung, đời sống, kinh tế của những hộ dân kinh doanh loại hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của huyện, các hộ có lợi nhuận từ 300 đến 400 triệu đồng trên năm, cao hơn từ 3 đến 4 lần so với thu nhập của những hộ không làm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Nhuần, chủ homestay tại "Làng Văn hoá du lịch Đất Mũi" thì chia sẻ với Dân Việt: "Ngay sau ngày mở cửa trở lại các hoạt động du lịch thì lượng khách du lịch đến với Đất Mũi đã tăng lên rất nhanh.
Trung bình mỗi ngày, chúng tôi đón tiếp khoảng 80 – 90 khách du lịch. Sở dĩ, có sự gia tăng này là bởi trong những ngày đóng cửa du lịch, du khách đã phải ở nhà quá lâu do tác động của dịch bệnh. Khi đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người nông dân, được trải nghiệm những hoạt động như bắt cá, tôm, cua… và nhiều hình thức du lịch cộng đồng khác. Do đó, lượng khách du lịch đến với Đất Mũi đang ngày một gia tăng".
Khi đến với Đất Mũi, khách du lịch, đặc biệt là các bạn học sinh thường tỏ ra thích thú với các hoạt động nghỉ đêm, bắt cá, cua, ba khía... Du khách có thể trải nghiệm và thưởng thức miễn phí các đặc sản của địa phương. Với giá dịch vụ khoảng 300.000 đồng/phòng/1 đêm. Du khách sẽ được trải nghiệm trọn vẹn các hoạt động du lịch cộng đồng của địa phương.
Hiện nay theo ông Nguyễn Văn Nhuần, gia đình ông đang quản lý tổng số 9 phòng nghỉ tại homestay, mỗi phòng có sức chứa từ 4 đến 7 người. Tuy nhiên, các đoàn khách đông thường nghỉ ở phòng cộng đồng với số lượng lớn. Các trải nghiệm này thường thu hút đông khách trải nghiệm hơn.
Ông Trần Hoàng Lạc cho hay, huyện Ngọc Hiển có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú, nhưng huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Huyện có 18.383 hộ dân, với tổng dân số là 67.735 người, có 878 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,78%, 1175 hộ cận nghèo chiếm 6,39%.
"Nhìn chung đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp (từ 1,5 triệu đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng, khu vực thành thị) và thường không ổn định. Phần đông hộ nghèo tập trung ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, bãi ngang, ven biển với điều kiện hạ tầng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện mô hình còn hạn chế.
Tuy nhiên về mặt hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội ngày càng được cải thiện và đáp ứng, người nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin nên về đời sống tinh thần của người nghèo dần được cải thiện và nâng cao chất lượng", ông Trần Hoàng Lạc nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hôn, Giám đốc Công ty Hoàng Hôn xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau cho biết: "Với đặc thù ba mặt giáp biển, Cà Mau có nguồn lợi thế dồi dào với nhiều loại thủy sản thu hút du khách. Trong quá trình khảo sát, tôi nhận thấy du khách có nhu cầu trải nghiệm ở nhà dân và thực hiện các hoạt động đánh bắt cùng ngư dân, nên nếu được khuyến khích nông dân chuyển hướng sang hướng dẫn du khách bắt các loài thủy sản như tôm, cua, ba khía...
Xây dựng mô theo kiểu du lịch sinh thái cộng đồng thì không những người dân có thêm thu nhập, mà người dân còn có thể giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng với du khách. Đây được gọi là hình thức du lịch nông nghiệp gắn với du lịch thủy sản và quảng bá văn hóa.
Hiện nay, ban quản lý rừng đã đề xuất phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên rừng. Nếu được thông qua, các hộ dân kinh doanh homestay tại địa phương sẽ có cơ hội phát triển mô hình kinh doanh, tránh tình trạng kinh doanh bừa bãi, mất kiểm soát. Đồng thời tạo được công ăn việc làm, thêm thu nhập cho người dân. Tôi rất mong mỏi có thêm những chính sách khuyến khích, phát triển du lịch, những phương án phù hợp, cụ thể và đúng mức"
Theo ông Nguyễn Hoàng Hôn, ngoài 6 homestay ở "Làng Văn hoá du lịch Đất Mũi" đã đi vào hoạt động thì hiện nay, có thêm 10 homestay đang hoạt động theo hình thức tự phát với mỗi homestay có sức chứa từ 50 – 70 người trở lên.
Đồng thời các câu lạc bộ cũng được thành lập, như câu lạc bộ đờn ca tài tử, giúp việc, hướng dẫn... cùng giúp nhau để mô hình du lịch sinh thái này hoạt động chuyện nghiệp hơn, bên cạnh đó là tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Với mức thu nhập trung bình từ 200.000 đồng/người trở lên.
Là người mong mỏi và khát khao được làm giàu từ du lịch, ông Tư Tỵ, doanh nghiệp du lịch Đất Mũi cho hay: "Tôi không phải người Đất Mũi, sinh lập nghiệp, lấy vợ sinh con tại đây, Đất Mũi là quê hương thứ hai của tôi. Trước khi xoay sang làm du lịch, tôi đã là anh nông dân chính hiệu, nuôi, trồng thủy sản bao năm.
Thế nhưng làm nghề thủy sản quá vất vả mà lợi nhuận kinh tế lại quá thấp. Mỗi vụ tôm, cua nuôi gia đình tôi mất rất nhiều bởi dịch bệnh, thiên tai. Vì vậy mà chúng tôi quyết định xoay sang làm du lịch. Hiện tại nhà hàng của tôi, trạm dừng nghỉ trên quốc lộ Hồ Chí Minh này vào mùa du lịch mỗi ngày cũng đón hàng trăm khách đoàn, có thời điểm vài trăm khác.
Tháng 6 vừa qua nhà tôi thu về cũng được gần 1 tỷ. Điều tôi mong mỏi nhất là bây giờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để xây dựng homestay cho khách nghỉ qua đêm, để khách được trải nghiệm cuộc sống ở Đất Mũi, được trải nghiệm đánh bắt cá, câu tôm. Có dịch vụ lưu trú, dừng nghỉ thì mới tăng thêm chi tiêu của du khách và hút du khách quốc tế đến với Đất Mũi nhiều hơn".
Là người đã thành công trong mô hình du lịch sinh thái, "Làng Văn hoá du lịch Đất Mũi", ông Nguyễn Văn Nhuần cho hay, kế hoạch tới đây của gia đình ông là tiếp tục tái đầu tư và phát triển thêm nhiều dịch vụ, tiện ích để đáp ứng nhu cầu của khách. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Nói về việc hỗ trợ các doanh nghiệp làm homestay cũng như phát triển khu du lịch sinh thái cộng đồng, ông Trần Hoàng Lạc cho hay: "UBND đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ du lịch. Kịp thời đề xuất bãi bỏ các quy định không hợp lý, không còn phù hợp. Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính; cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Internet chọn diễn đàn du lịch có lượng người truy cập cao để đăng tải những hình ảnh sản phẩm du lịch đẹp, hấp dẫn về du lịch của huyện.
UBND huyện đã làm việc với các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho hộ kinh doanh du lịch vay vốn đầu tư phát triển du lịch"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.