Cà Mau: Hơn 14.000ha rừng có nguy cơ cháy cao

Chúc Ly Thứ năm, ngày 27/02/2020 05:45 AM (GMT+7)
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Dù có sự chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn từ khá sớm, tuy nhiên, đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000ha các trà lúa bị thiệt hại, trong đó hơn 12.500ha bị thiệt hại trên 70%; tập trung nhiều nhất trên trà lúa - tôm (hơn 15.900ha).

Hạn hán cũng đã làm 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, có trên 14.000ha rừng đang ở mức cảnh báo cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó một vấn đề đặt ra là khi có sự cố xảy ra thì sẽ không có nguồn nước để xử lý.

Dù có nhiều cố gắng, tỉnh cũng chỉ mới giải quyết được nước sinh hoạt cho khoảng 12% hộ dân vùng nông thôn, còn trên 180.000 hộ phải sử dụng nước bằng việc khai thác mạch nước ngầm, nhỏ lẻ hộ gia đình; một số vùng không khai thác được, nhiễm mặn...

“Việc khai thác nước ngầm đã ảnh hưởng đến tình trạng sụt lún, nguồn nước ô nhiễm, Cà Mau đang thật sự khó khăn, chưa tìm được lời giải đáp” - ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận.

img

 Thứ trưởng Hà Công Tuấn (trái) kiểm tra mức độ khô hạn ở Vườn quốc gia U Minh Hạ. (ảnh: Chúc Ly)

Chiều ngày 25/2, đoàn công tác Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn, đã đến làm việc, kiểm tra Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau).

Theo đó, ông Huỳnh Minh Nguyên - Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết: Đến nay, toàn lâm phần Vườn quốc gia với tổng diện tích rừng 8.527,8ha đã bị khô hạn. Trong đó, dự báo cấp cháy II là hơn 1.926ha, cấp III là hơn 4.840ha, cấp IV là hơn 1.338ha, cấp V là hơn 423,3ha.

Cũng theo ông Nguyên, ngay từ mùa khô 2019-2020, Vườn quốc gia U Minh Hạ đã chủ động phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo thực hiện tốt việc đắp đập, đóng cống để giữ nước phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Tại buổi làm việc, thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, cho rằng: Ngoài việc bảo vệ hệ sinh thái, trước hết là bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy. Vườn quốc gia U Minh Hạ cần tính đến vấn đề nghiên cứu khoa học đảm bảo an toàn cho phòng cháy chữa cháy, quan tâm đến vấn đề giữ nước. Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu khoa học để đảm bảo cân bằng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái đặc trưng.

Cũng trong chiều 25/2, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã khảo sát một số điểm sụt lún đê biển Tây, ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch bị thiếu nước của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem