Huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) xác định bến vật liệu của Công ty Thế Duy có vi phạm

Hoàng Hạnh Thứ hai, ngày 18/09/2023 15:08 PM (GMT+7)
Bến vật liệu xây dựng của DNTN – VLXD Thế Duy hết phép hoạt động từ cuối năm 2006, song đến nay doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động dù bị ngành chức năng xử phạt nhiều lần.
Bình luận 0

Báo điện tử Dân Việt ngày 20/8 có bài viết: "Cà Mau: Bến vật liệu xây dựng chui hoạt động lộ thiên, chính quyền địa phương ... "bó tay"?!", phản ánh việc người dân ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước bức xúc trước việc xem thường pháp luật của DNTN – VLXD Thế Duy, khi hoạt động mà không được cơ quan chức năng cấp phép.

Clip bến vật liệu xây dựng của doanh nghiệp Thế Duy hoạt động không phép "lộ thiên" trong thời gian dài.

Sau bài báo này, Văn Phòng UBND tỉnh Cà Mau phát văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý DNTN – VLXD Thế Duy hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng chui trên địa bàn huyện Cái Nước.

Theo đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau chỉ đạo UBND huyện Cái Nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ những nội dung liên quan được bài viết nêu trên đề cập, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 15/9.

Đến ngày 13/9, UBND huyện Cái Nước đã có báo cáo số 636/BC-UBND về kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin được báo chí phản ánh gửi về UBND tỉnh Cà Mau.

Báo cáo của UBND huyện Cái Nước nêu rõ: Qua đo đạc thực tế, bến vật liệu xây dựng của doanh nghiệp Thế Duy nằm trong phạm vi bảo vệ 150 m theo quy định hành lang an toàn cầu Lương Thế Trân, bến nằm trong khu vực kênh có chiều rộng tương đối hẹp.

Cà Mau: Huyện Cái Nước báo cáo gì về bến vật liệu không phép hoạt động “lộ thiên”? - Ảnh 2.

Bến vật liệu xây dựng hoạt động không phép khiến người dân địa phương bức xúc. Ảnh: An An

Theo đó, bến bãi này đã vi phạm quy định theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Báo cáo cũng cho biết, qua kiểm tra hồ sơ của đơn vị này cho thấy, doanh nghiệp Thế Duy được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể vào ngày 22/2/2002, và đăng ký lại vào ngày 18/8/2006; doanh nghiệp này được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau cấp phép hoạt động bến thủy nội địa ngày 28/2/2006, đến ngày 31/12/2006 hết hạn hoạt động.

Ngoài ra, nội dung báo cáo thể hiện chủ doanh nghiệp Thế Duy cũng thừa nhận việc đơn vị xin gia hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa từ năm 2007, nhưng không được cấp lại, từ đó đến nay bến hoạt động không phép.

Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành chức năng tỉnh Cà Mau có quy hoạch vị trí mới, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Trong một diễn biến khác có liên quan, đại diện phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Cà Mau (đoàn liên ngành kiểm tra số 2) cũng cho biết, thời gian qua đoàn công tác liên ngành đã nhiều lần lập biên bản nhắc nhở doanh nghiệp Thế Duy về bến hoạt động không phép, đề nghị bến ngưng hoạt động; đồng thời đã xử vi phạm hành chính đối với phương tiện cập bến của doanh nghiệp này.

UBND huyện Cái Nước khẳng định, hiện tại bến thủy nội địa của doanh nghiệp Thế Duy hoạt động không có quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền (Sở Giao thông Vận tải), nguyên nhân là do vị trí bến hoạt động thủy nội địa nằm trong hành lang bảo vệ cầu Lương Thế Trân nên các ngành chức năng không cấp phép lại được.

Từ đó, UBND huyện Cái Nước kiến nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 5, điều 14, Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, cụ thể: 

"Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định công bố, nếu không được gia hạn hoạt động thì chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải tháo dỡ công trình, thiết bị có ảnh hưởng đến an toàn giao thông, rà quét và thanh thải vật chướng ngại trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (nếu có) trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn hoạt động. Cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND xã) tổ chức giám sát việc tháo, dỡ công trình cảng, bến thủy nội địa, rà quét và thanh thải vật chướng ngại trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem