Cà Mau làm OCOP “thà chậm mà chắc”

Chúc Ly – Tâm Như Thứ tư, ngày 20/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Huyện Thới Bình (Cà Mau) xác định, OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững. Dù số lượng sản phẩm đạt còn khiêm tốn, nhưng theo lãnh đạo địa phương thì làm “chậm mà chắc”.
Bình luận 0

Cà Mau: Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện

Thời gian qua, huyện Thới Bình quyết tâm vận động các chủ thể hoàn thành việc xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Huyện xác định chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng NTM bền vững. Mặc dù số lượng sản phẩm đạt còn khiêm tốn, nhưng theo lãnh đạo địa phương thì "chậm mà chắc".

Năm 2021, huyện Thới Bình chỉ đăng kí tham gia 2 sản phẩm và cả 2 sản phẩm đều được công nhận, chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Gạo sinh thái Từ Tâm và mắm lóc Thới Bình là 2 sản phẩm vừa được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Trong đó, sản phẩm gạo sinh thái Từ Tâm còn được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.

Cà Mau làm OCOP “thà chậm mà chắc” - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Mưa với sản phẩm gạo Hoàng Yến đạt OCOP từ năm 2020, hiện đang phấn đấu lên 4 sao. Ảnh: Tâm Như

"Chúng tôi xác định, không ồ ạt chạy theo số lượng để rồi buông lơi chất lượng. Thà làm sản phẩm nào phải nắm chắc ăn sản phẩm đó đạt và có đường hướng phát triển trong thời gian tới" - Ông Nguyễn Văn Phúc -Trưởng Phòng NNPTNT.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Phòng NNPTNT huyện nhận định: "Sản phẩm đăng ký mỗi xã gửi về rất nhiều. Tuy nhiên chúng tôi phải xem xét kĩ lưỡng và thận trọng. Ban đầu các chủ thể cũng còn bỡ ngỡ bởi phải tiếp cận đến các thủ tục giấy tờ khá phức tạp. Tuy nhiên nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ cán bộ chuyên môn mà từng bước những khó khăn trên được tháo gỡ".

"Chúng tôi xác định, không ồ ạt chạy theo số lượng để rồi buông lơi chất lượng. Thà làm sản phẩm nào phải nắm chắc ăn sản phẩm đó đạt và có đường hướng phát triển trong thời gian tới" - ông Phúc cho biết thêm.

Sau gần 2 năm triển khai chương trình OCOP, Thới Bình đã có 3 sản phẩm đạt sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Đây là một khởi đầu quan trọng, đang tạo nên động lực mới trong xây dựng NTM của địa phương. Chương trình đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Ông Lê Văn Mưa - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) lúa tôm Trí Lực (cũng là chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP gạo Hoàng Yến), bộc bạch: "Sản phẩm đang đầu tư nâng cấp lên 4 sao. Ban đầu chúng tôi cũng còn nhiều vướng mắc trong xây dựng sản phẩm OCOP, nhưng dần dần thì thấy cũng không có nhiều khó khăn".

Cà Mau làm OCOP “thà chậm mà chắc” - Ảnh 3.

Trồng lúa theo hướng hữu cơ mang lại lợi thế lớn để huyện Thới Bình xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: T.N

Ông Mưa kể: "Sản phẩm OCOP không chỉ bao bì mẫu mã đẹp, sản phẩm chất lượng mà đằng sau nó còn là cả một câu chuyện, một hành trình của người nông dân hình thành nên nó. Lúc đó HTX định lấy tên là gạo ông Mưa, nhưng sau khi bàn bạc thì chúng tôi lại chọn tên tuyến đường kiểu mẫu NTM, tuyến đường này trồng nhiều hoa Hoàng Yến. Tên gọi sản phẩm còn để gợi nhớ về phong trào xây dựng NTM tại địa phương".

Nâng chất sản phẩm OCOP

Trưởng phòng NNPTNT Thới Bình Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm: "Năm 2022 dự kiến huyện sẽ đánh giá từ 2-3 sản phẩm hoàn thiện đạt 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trên địa bàn huyện nâng cao lên 4 sao và tiến tới mục tiêu xuất khẩu".

Sản phẩm dự kiến là tôm thẻ khô Ngọc Thắm (xã Biển Bạch Đông) và sản phẩm gạo ST24 của HTX ông Đuông (xã Tân Bằng). Sản phẩm Rượu trái giác (Biển Bạch) và chả cá phi (xã Biển Bạch Đông) cũng được đưa vào đối tượng để lựa chọn, đầu tư cho những năm tiếp theo. Theo ông Phúc, mọi thứ phải chỉn chu, phải có sự chuẩn bị từ trước cho "chắc nhịp", khi đã đưa ra Hội đồng thì chỉ có thể đạt thôi chứ không thể bị lỗi từ khâu nào.

Để một sản phẩm được công nhận OCOP thì chủ thể phải nỗ lực rất nhiều từ khâu thành phẩm, chất lượng và phạm vi phát triển của nó. Ngành chức năng chỉ hỗ trợ một phần vốn ít ỏi để chỉnh trang bao bì, nhãn mác và thủ tục giấy tờ hoàn thiện. Tất cả phải lên kế hoạch từ 1 đến 2 năm để sản phẩm được chỉn chu, hoàn thiện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem