Theo đó, ngày 3/8 trên địa bàn huyện U Minh đã xảy ra mưa lớn, kèm theo gió mạnh làm sập hoàn toàn 22 căn nhà, tốc mái 53 căn nhà, ước tính thiệt hại khoảng 749 triệu đồng. Bên cạnh đó, nước dâng làm ngập nhà của 723 hộ, ước thiệt hại gần 3,4 tỷ đồng.
Nhiều căn nhà của người dân huyện U Minh đã bị ngập, tốc mái. Ảnh: CTV.
Trước tình hình trên, UBND huyện U Minh cùng với các ngành, đoàn thể của huyện, UBND xã tổ chức đoàn công tác đến thăm và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại, động viên các gia đình sửa chữa lại nhà, ổn định cuộc sống.
Trước đó, chiều 3/8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển thuộc xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) sóng lớn đánh liên tiếp gây sạt lở thân đê phòng hộ. Mực nước dâng cao kỷ lục, nước mặn tràn qua mặt đê vào vùng ngọt hóa, nơi bà con đang canh tác lúa. Một phần thân đê đã bị sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài khoảng 300m.
Ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết: "Thủy triều dâng cao đột biến. Từ trước tới nay, tại địa phương chưa từng ghi nhận thủy triều dâng cao, kèm theo sóng lớn như vậy. Sau đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã được huy động đến hiện trường. Giải pháp trước mắt là đưa đất vào bao, gia cố mặt đê để ngăn nước mặn tràn vào vùng ngọt, ảnh hưởng lúa của người dân bên trong".
Hôm nay (4/8), các lực lượng được huy động tối đa để khắc phục đoạn để biển sạt lở. Các ngành chức năng đang phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, tổ chức việc khắc phục trong thời gian nhanh nhất.
Tại đoạn đê ven biển ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, đai rừng phòng hộ không còn, nên dễ dàng bị uy hiếp bởi sóng lớn. Ảnh: NQ.
Ngành chức năng đang tích cực gia cố đoạn đê biển bị sạt lở do sóng đánh mạnh ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: NQ.
Nhiều lực lượng được huy động để nhanh chóng khắc phục đoạn để biển bị sạt lở. Ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các lực lượng khắc phục sạt lở. Ảnh: NQ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.