Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 13/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định ban hành quy định đối tượng, mức chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Cụ thể, đối tượng hỗ trợ là người lao động không giao kết hợp đồng lao động, làm công cho các cơ sở, dịch vụ hoạt động kinh doanh ngành nghề, công việc bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan thẩm quyền, để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Các điểm du lịch, quán bar, vũ trường, karaoke, bida, rạp chiếu phim, game, internet công cộng, massage, thẩm mỹ, tập thể hình, thể dục dụng cụ, hồ bơi, yoga, sân bóng đá, dịch vụ ca hát tập trung đông người, bán lẻ vé số kiến thiết lưu động và các dịch vụ ăn, uống hàng quán (trừ hình thức bán hàng mang về).
Đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau: Có thời gian ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 6/5/2021 đến ngày 31/12/2021. Không trong thời gian đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bị mất việc làm hoặc ngừng việc có mức thu nhập hàng tháng dưới 1,5 triệu đồng/người.
Theo đó, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, chi trả 1 lần cho người lao động. Chính sách hỗ trợ này bắt đầu từ ngày 9/8/2021, kết thúc vào ngày 31/12/2021.
Người lao động có nhu cầu sẽ có đơn đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ gửi đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu hoặc nơi thường trú.
Trường hợp người lao động có nơi đăng ký hộ khẩu và nơi làm việc khác địa bàn hành chính, nhưng đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tại địa bàn lao động thường xuyên làm việc, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu là chưa hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định này tại địa phương; ngược lại, nếu đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tại địa bàn đăng ký hộ khẩu thì phải có xác nhận chính quyền địa phương nơi lao động thường xuyên làm việc.
UBND cấp xã sẽ kiểm tra, xác định đối tượng và tổng hợp danh sách lao động đủ điều kiện về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp Phòng Tài chính cùng cấp, kiểm tra hồ sơ và kinh phí, tổng hợp danh sách, tham mưu UBND cấp huyện có ý kiến trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh (gửi hồ sơ qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp Sở Tài chính tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyền định phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Việc chi hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.