Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phóng viên Dân Việt phỏng vấn ông Phùng Sơn Kiệt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau về tình hình sạt lở biển, bờ sông và kết quả bố trí dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông đánh giá gì về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau?
- Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông tỉnh Cà Mau đến thời điểm này rất là nghiêm trọng. Tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh 91,45 km. Trong đó, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 38,55 km có tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 50-80 m; Sạt lở nguy hiểm chiều dài 52,90km, các đoạn này tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 20-40 m.
Hiện nay, tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư, với tốc độ sạt lở bờ biển từ 45-50m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 80-100m như hiện nay thì trong vài năm tiếp theo nếu không có giải pháp bảo vệ thì sạt lở sẽ tiến sâu vào đất liền và uy hiếp đến hạ tầng bên trong. Các đoạn bờ biển đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm cần có các công trình bảo vệ phòng chống sạt ở bờ biển Đông trong thời gian tới dài hơn 69 km. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn, có tổng chiều dài khoảng gần 29,2km.
Đối với bờ biển Tây, các đoạn bờ biển đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm cần có các giải công trình bảo vệ phòng chống sạt lở bờ biển Tây trong thời gian tới dài 22 km. Hiện nay, tại các đoạn sạt lở ở bờ biển Tây đã làm được khoảng 20km bờ kè ly tâm chắn sóng nên tình hình sạt lở có chiều hướng đỡ hơn, nhưng tình hình sạt lở hàng năm đã làm mất đi rất nhiều vạt rừng ven biển. Hơn chục năm về trước, vạt rừng cách chân đê khoảng 1km, có đoạn cách 2-3km, nhưng bây giờ có đoạn sóng đã đánh lở vào tới chân đê, mình phải kè 2 lớp kè mới bảo vệ được.
Về sạt lở bờ sông ở khu vực bờ biển Tây ít hơn, nhưng bên bờ biển Đông rất nhiều do bán nhật triều (con nước lên xuống 2 lần trong ngày – PV) với biên độ cao từ 2-2,2m. Khi biên độ nước dòng xuống thấp thì sạt lở bờ sông rất nhiều, nhất là những tháng mới bắt đầu mưa xuống. Cà Mau có 2 mùa mưa nắng, mùa nắng đất bị khô đi, mưa xuống nước thấm vô đất, cộng thêm biên độ triều thấp xuống thì tình hình sạt lở bờ sông diễn ra rất nghiêm trọng.
- Trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng như vậy, thực hiện theo Quyết định 1776/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành chức năng, chủ yếu là Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau xây dựng quy hoạch bố trí dân cư cho các vùng bị thiên tai. Chương trình bố trí dân cư có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn cao cả, việc chủ động bố trí các hộ dân ra khỏi địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đời sống, sản xuất của hộ dân từng bước ổn định.
Đến nay, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương đầu tư xây dựng 11 dự án, cụm dân cư với tổng diện tích hơn 155 ha dọc theo bờ biển Tây và bờ biển Đông. Các dự án, cụm dân cư dự kiến sẽ bố trí cho 2.665 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và khu vực rừng phòng hộ biển Tây.
Kết quả đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau đã bố trí làm thủ tục, quy trình cấp nền cho hơn 2.000 hộ, còn lại sẻ tiếp tục vận động bà con vào các khu tái định cư hoàn thiện.
Triển khai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/10/2022, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngày 7/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện Chương trình bố trí dân cư đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, dự kiến sẽ bố trí cho 3.693 hộ dân.
Qua rà soát, nắm bắt từ thực tế, tỉnh Cà Mau hiện có bao nhiêu hộ dân đang sinh sống trực tiếp ở vùng ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển và công tác bố trí dân cư sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới?
- Theo báo cáo mới nhất, tỉnh Cà Mau hiện còn 3.693 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, cần phải bố trí vào khu an toàn để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ bổ sung kinh phí, hoàn thiện một số khu tái định cư xây dựng còn dỡ dang để làm sao di dời hết số hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai vào các nơi an toàn.
Tỉnh Cà Mau đã có báo cáo trình xin Trung ương hỗ trợ thực hiện 02 dự án: Dự án Bố trí dân cư ấp Nhà Luận xã Tam Giang, huyện Năm Căn và Dự án khu tái định cư ấp Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Trong thời tới, hai dự án này được triển khai thực hiện sẽ góp phần giải quyết được chỗ ở ổn định cho khoảng hơn 300 hộ dân vùng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Cùng với đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo hỗ trợ nguồn vốn xây dựng cơ bản để hoàn thiện các dự án bố trí dân cư đang thực hiện dở dang, phải hoàn thành từ nay đến năm 2025 để làm sao bố trí cho hết số hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển vào nơi ở an toàn, ổn định cuộc sống.
Trong quá trình thực hiện bố trí dân cư vùng thiên tai, ông có đề xuất, kiến nghị gì để có thể sớm bố trí và ổn định cuộc sống cho người dân?
Người dân tuy đã chuyển về nơi ở mới an toàn, nhưng đời sống vẫn còn khó khăn. Ở Cà Mau không còn quỹ đất sản xuất nên các hộ dân vào khu tái định cư chỉ được cấp đất ở, trong khi người dân ở đây đa phần sinh sống ven biển họ có cuộc sống gắn liền với nghề biển.
Khi đê biển Tây được làm hoàn chỉnh, có hệ thống giao thông bộ thuận tiện cho việc đi lại thì các hộ dân ở khu tái định cư sẽ thuận lợi hơn trong việc đi làm thuê, làm mướn tại các cửa biển lớn như: Sông Đốc, Đá Bạc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm …từ đó đời sống người dân sẽ được cải thiện hơn.
UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ngành phối hợp lồng ghép các chương trình như: chương trình đào tạo nghề, chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo …. Để hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề, làm sản phẩm chế biến từ các loại cá, tôm và các sản phẩm khác như: làm khô, làm mắm, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan lưới, làm lú … Để tang thêm thu nhập cho người dân.
Về đề xuất, tôi mong Bộ NNPTNT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Khi Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn thì Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bố trí dân cư tỉnh Cà mau.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.