Ca nhiễm Covid-19 cộng đồng có dấu hiệu tăng, một số tỉnh thành có quay lại chỉ thị 15, 16?

Định Nguyễn Chủ nhật, ngày 21/11/2021 08:49 AM (GMT+7)
Trong trường hợp các ca nhiễm quá nhiều, chúng ta quay lại chỉ thị 15, 16 không có gì mâu thuẫn cả. Đây chính là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm này chưa cần quay lại chỉ thị 15, 16, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh - GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Bình luận 0

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với PV Dân Việt sau hơn một tháng cả nước thực hiện quy định về thích ứng an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.


"Nhìn thấy số ca bệnh tăng phải hết sức bình tĩnh, đừng quá ngạc nhiên"

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 20/11, Bộ Y tế báo cáo, trong hơn một tháng thực hiện quy định về thích ứng an toàn, cả nước ghi nhận hơn 105.500 ca nhiễm cộng đồng. So với tháng trước đó, số ca nhiễm cộng đồng tăng 2,9%, nhưng ca tử vong và ca nặng, nguy kịch đều giảm mạnh; trong đó ca nặng, nguy kịch giảm 40% so với tháng trước.

"Đừng hoảng loạn khi nhìn vào số liệu ca bệnh Covid-19 nhiều sau một tháng thích ứng an toàn" - Ảnh 1.

Những ngày qua nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng. Trong ảnh khu phong toả tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo Bộ Y tế, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng tăng ở nhiều địa phương. Trong tuần vừa qua, số ca nhiễm cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành. 

Trước vấn đề này, có một số ý kiến cho rằng, liệu một số tỉnh thành có dấu hiệu tăng ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng có tái sử dụng Chỉ thị 15,16 trong phòng chống dịch?

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam đã có những phân tích rất cụ thể.

"Đừng hoảng loạn khi nhìn vào số liệu ca bệnh Covid-19 nhiều sau một tháng thích ứng an toàn" - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, biện pháp cần ngay lúc này tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ và Công văn hướng dẫn số 4.800 của Bộ Y tế đó là không nao núng, không hoảng loạn, không chủ quan. Ảnh: NVCC

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, sau hơn một tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh hầu như cả nước, trong đó có TP.HCM, miền Tây Nam Bộ, Hà Nội… có hiện tượng nhiều điểm xuất hiện F0, thậm chí tạo ra nhiều chùm ca bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành. Số lượng người nhiễm bệnh Covid-19 chung cả nước tăng rõ. 

"Đừng hoảng loạn khi nhìn vào số liệu ca bệnh Covid-19 nhiều sau một tháng thích ứng an toàn" - Ảnh 3.

Bảng số liệu số ca mắc Covid-19 trong cả nước. Ảnh: Bộ Y tế.

"Việc ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng đã được những người soạn ra Nghị quyết 128 chính là Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế… đều biết sẽ xảy ra như vậy. Vì thế khi thấy số ca bệnh tăng chúng ta phải hết sức bình tĩnh, đừng quá ngạc nhiên, điều này đã được lường trước sẽ xảy ra. Diễn biến đó cũng chính là diễn biến tự nhiên. Biện pháp cần ngay lúc này là tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ và Công văn hướng dẫn số 4.800 của Bộ Y tế đó là không nao núng, không hoảng loạn, không chủ quan", GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

4 yếu tố quan trọng, then chốt trong phòng chống dịch Covid-19

GS Nguyễn Anh Trí phân tích, hiện tượng tăng ca nhiễm Covid-19 đã được lường trước, chính vì thế các địa phương phải tiếp tục tuân thủ nhiều biện pháp cụ thể, quan trọng.

"Thứ nhất, tuyệt đối các địa phương không được lơ là cảnh giác, thường xuyên thực hiện tốt thông điệp 5K. Tôi vừa đi từ Quảng Bình về tôi thấy nếu việc này làm tốt còn hơn cả vaccine. Đó là khẩu tranh, khai báo y tế… Thứ 2, nếu có xảy ra F0 phải khoanh vùng ngay, khoanh gọn nhất có thể. Tiến hành xét nghiệm, truy vết để bóc tách F0, đồng thời thực hiện các xét nghiệm theo dõi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo tôi được biết, Bộ Y tế đang khuyến cáo rút ngắn thời gian phong toả 14 ngày như trước xuống còn 7 ngày", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

"Đừng hoảng loạn khi nhìn vào số liệu ca bệnh Covid-19 nhiều sau một tháng thích ứng an toàn" - Ảnh 4.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng phải đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine thật tốt, đúng theo lộ trình càng nhanh càng tốt. Ảnh: Gia Khiêm

Điều thứ 3, GS Trí cho rằng phải đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine thật tốt, đúng theo lộ trình càng nhanh càng tốt. Thứ 4, phải chuẩn bị tất cả các điều kiện để điều trị những người bị Covid-19. Câu chuyện ca bệnh trên thế giới thống kê để biết nhưng cái quan trọng nhất đó là phải điều trị, nếu bệnh chuyển biến quá nặng đừng để tử vong, làm giảm mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.

"Chúng ta đừng hoảng loạn khi nhìn vào số liệu ca bệnh cộng đồng nhiều. Dù có nhiều F0 nhưng không nặng so với trước", GS Trí cho hay.

"Đừng hoảng loạn khi nhìn vào số liệu ca bệnh Covid-19 nhiều sau một tháng thích ứng an toàn" - Ảnh 5.

Nhân viên y tế tại Hà Nội trong công tác phòng chống dịch ở khu phong toả. Ảnh: Gia Khiêm

Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam phân tích có 2 lý do, cụ thể, tỉ lệ người tiêm vaccine, kể cả người được tiêm 2 mũi nhiều. Tính đến ngày 20/11, cả nước đã được tiêm là 106.543.301 liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 66.483.363 liều, tiêm mũi 2 là 40.059.938 liều. Thứ 2, tỉ lệ miễn dịch tự nhiên nhiều tỉnh thành đã tăng như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai…, Nếu bị nhiễm không nặng, như bệnh cúm.

"Nhiều người bạn, người quen của tôi bị nhiễm Covid-19 chỉ 6,7 ngày sau khoẻ hẳn bởi họ đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan ngay khi đã tiêm vaccine. Phải làm sao điều trị thật tốt, nhằm làm cho những người nhiễm không diễn biến nặng, nếu bị nặng không bị tử vong. Ngoài ra, theo tôi cũng không loại trừ phương án phụ nhưng tôi nghĩ chưa phải thời điểm áp dụng đó là trong trường hợp bùng phát dữ dội như TP.HCM đợt tháng 8,9 vừa qua thì phải quay lại Chỉ thị 15,16.

Tôi cho rằng thời điểm này chưa cần quay lại chỉ thị 15, 16.  Trong trường hợp các ca nhiễm quá nhiều, chúng ta quay lại chỉ thị 15,16 không có gì mâu thuẫn cả. Đây chính là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128 Chính phủ, tuỳ theo mức độ dịch bệnh để từ đó vận dụng ở mức nào sao cho phù hợp", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem