Ca nhiễm Covid-19 tăng 8 lần trong tuần: Một hãng hàng không phá sản, kinh tế Anh suy thoái thực sự
Ca nhiễm Covid-19 tăng 8 lần trong tuần: Một hãng hàng không phá sản, kinh tế Anh suy thoái thực sự
Thứ ba, ngày 10/03/2020 06:42 AM (GMT+7)
Chưa đưa ra bất kỳ một biện pháp kiểm soát nào cho dịch Covid-19, số ca nhiễm virus corona tại Anh bắt đầu tăng mạnh. Hãng hàng không Flybe Airlines, một DN lớn hoạt động tại 81 nước, vừa tuyên bố phá sản vì Covid-19 dường như là một sự bắt đầu cho sự suy thoái thực sự của kinh tế Anh.
Số ca nhiễm virus corona tại Anh tăng 8 lần trong 1 tuần
Tờ Daily Mail hôm 10/3 cho hay số ca nhiễm virus corona tại Anh trong cùng ngày đã tăng 48 trường hợp lên 321 trường hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Châu Âu. 5 trường hợp được xác nhận đã tử vong. Như vậy, chỉ trong một tuần qua, các ca nhiễm virus corona tại Anh đã tăng gấp 8 lần, gây ra nỗi lo sợ lớn về những tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế vốn đã mong manh sau khủng hoảng Brexit. Cùng với Anh, hàng loạt quốc gia Châu Âu như Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha cũng đang chứng kiến sự tăng vọt các ca nhiễm virus corona.
Một bệnh nhân tại Anh được xét nghiệm dương tính với virus corona mà không có lịch sử du lịch đến các quốc gia xuất hiện dịch bệnh hay tiếp xúc với bệnh nhân dương tính nào khác. Trường hợp này đã thổi bùng nỗi lo sợ rằng hàng ngàn người Anh có thể đang mang trong mình virus corona lây lan trong cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cùng ngày đã họp khẩn cấp để thảo luận cùng các quan chức cấp cao biện pháp kiềm chế sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 do virus corona. Nhưng cho đến nay, chưa có một lệnh hạn chế nhập cảnh hay phong tỏa khu vực nào được áp dụng. Thậm chí, bất chấp mối đe dọa khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 ngày càng tăng lên, hàng ngàn hành khách đến từ miền Bắc Italy, tâm chấn dịch virus corona tại Châu Âu, hiện vẫn được phép nhập cảnh Anh mà không cần kiểm tra sức khỏe hay có biện pháp cách ly nào.
Hôm 9/3, phát biểu tại Hạ viện về vấn đề dịch bệnh Covid-19 do virus corona leo thang, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho hay Chính phủ đang nỗ lực tăng cường số giường bệnh và cơ sở chăm sóc đặc biệt dành cho người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ông này cho biết Anh hiện chưa có kế hoạch đình chỉ các hoạt động công cộng, các điểm tụ tập đông người… dù nhiều ý kiến đã kêu gọi Chính phủ đóng cửa trường học và khuyến nghị làm việc tại nhà.
Doanh nghiệp Anh bắt đầu “kêu cứu”
Doanh nghiệp Anh là đối tượng đầu tiên cảm nhận được tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 do virus corona. Hàng loạt công ty Anh đã cảnh báo lợi nhuận giảm sau khi hoạt động rơi vào trì trệ vì tình hình bệnh dịch bùng phát ở nhiều quốc gia.
Hôm 5/3, hãng hàng không Anh Flybe Airlines trở thành một trong những nạn nhân ngấm đòn đau từ dịch Covid-19 do virus corona khi tuyên bố phá sản, đặt hơn 2.400 người lao động trước nguy cơ mất việc. Các chuyến bay của Flybe Airlines đã bị hủy hàng loạt và lợi nhuận thì giảm mạnh khi dịch Covid-19 do virus corona bùng phát làm giảm mạnh nhu cầu di chuyển của hành khách.
Flybe là hãng hàng không độc lập khu vực lớn nhất Châu Âu, hoạt động tại 81 sân bay khu vực và thế giới. Trước đó, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính dịch Covid-19 do virus corona có thể thổi bay 113 tỷ USD doanh thu của các hãng hàng không trên toàn thế giới.
Saga, công ty du lịch 50 năm tuổi của Anh cũng báo cáo sự gia tăng hàng loạt các trường hợp hủy tour và đặt phòng khi số ca nhiễm virus corona tăng mạnh ở Châu Âu và Anh. Doanh số tour du lịch đặt trước của hãng đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái kể từ đầu năm và đang tiếp tục giảm mạnh trong những tuần gần đây,
Aviva, một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Anh phải chi trả 500.000 Bảng cho các tour du lịch bị hủy vì dịch bệnh Covid-19. CEO Maurice Tulloch đã cảnh báo mức lợi nhuận không chắc chắn cho năm tài chính 2020, bất chấp mức lợi nhuận kỷ lục 3,2 tỷ Bảng mà tập đoàn này đạt được hồi năm 2019.
Burberry, thương hiệu thời trang xa xỉ toàn cầu có trụ sở tại Anh thì bày tỏ mối quan ngại lớn về việc doanh số giảm, nhất là doanh thu từ các thị trường Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Burberry đã phải đóng cửa 24/64 cửa hàng tại Trung Quốc khi dịch bệnh Covid-19 do virus corona bùng phát.
Volex, một nhà sản xuất thiết bị điện ở Anh báo cáo 3/4 nhà máy đặt tại Trung Quốc hiện vẫn đang ngừng hoạt động do dịch Covid-19 do virus corona diễn biến phức tạp, trong khi một nhà máy đã hoạt động trở lại thì chưa thể hồi phục năng lực sản xuất vì thiếu hụt công nhân.
Kinh tế Anh đối diện nguy cơ suy thoái rõ ràng hơn
Các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh sau khi thị trường chứng khoán nước này chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng Brexit đến nay. Cụ thể, từ giữa tháng 2, khi các ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện ở Anh, chỉ số FTSE 100 đã giảm 20%.
Các nhà kinh tế Goldman Sachs hồi tuần trước dự báo tăng trưởng GDP quý I/2020 của Anh có thể chỉ đạt 0% và thậm chí xuống -0,2% trong quý II, khi những tác động từ dịch virus corona trở nên rõ ràng hơn. Nếu những dự báo này là chính xác, Vương quốc Anh sẽ đối diện với một cuộc suy thoái kỹ thuật (được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm). Goldman Sachs dự đoán Ngân hàng Anh BoE sắp cắt giảm lãi suất 0,25% trong phiên họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng 3 này.
Đồng quan điểm với Goldman Sachs, các nhà phân tích từ Deutsche Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Anh năm 2020 xuống 0,5%, từ mức 1,4% năm 2019. Các nhà kinh tế Deutsche, Sanjay Raja và Oliver Harvey cho biết tăng trưởng toàn cầu yếu hơn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Anh trong năm nay. Deutsche Bank cũng dự đoán Ngân hàng Anh (BoE) có thể cắt giảm lãi suất hai lần với mức cắt giảm 0,25% mỗi lần từ mức lãi suất cơ bản 0,75% hiện tại.
Ngay cả khi dịch Covid-19 do virus corona chưa bùng phát và để lại hệ quả, nền kinh tế Anh vốn dĩ đã rất mong manh. GDP không tăng trong quý IV/2019 và tăng trưởng GDP cả năm 2019 chỉ đạt 1,4%. Không còn nhiều dư địa cho Chính phủ tiến hành các biện pháp bảo vệ nền kinh tế, khi lãi suất cơ bản của Ngân hàng Anh hiện chỉ ở mức 0,75% - thấp hơn nhiều so với mức 5% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Anh quyết định cắt giảm lãi suất - một trong những biện pháp kích thích kinh tế truyền thông trước nguy cơ suy thoái, mức cắt giảm sẽ là rất nhỏ và không đáng kể nếu không muốn đưa lãi suất xuống âm. Anh cũng thực hiện gói nới lỏng định lượng 435 tỷ Bảng trong những năm qua, nhưng bị dư luận chỉ trích rằng điều này chỉ làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng vì hầu như không hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Để ngăn chặn suy thoái lúc này, con đường duy nhất mà Anh có thể đi là triển khai các vũ khí cắt giảm thuế, tăng cường chi tiêu công. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đang báo hiệu sẽ phớt lờ cam kết thặng dư ngân sách trong quá khứ để tăng khoảng 4% chi tiêu công, mức tăng lớn nhất trong 15 năm qua.
Tân Bộ trưởng Tài chính vừa được bổ nhiệm, ông Rishi Sunak ám chỉ sẵn sàng từ bỏ các quy tắc tài khóa do người tiền nhiệm Sajid Javid theo đuổi liên quan như giữ chi phí đầu tư công dưới 3% GDP. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ công của Anh chắc chắn sẽ thêm nặng nề. Tính đến năm 2019, quy mô nợ quốc gia Anh đã lên đến 79,6% GDP, tăng hơn gấp đôi so với mức 35,2% GDP năm 2007, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thêm vào đó, nguy cơ Brexit không thỏa thuận vào tháng 12 đồng nghĩa với việc Anh sẽ đơn độc rời Liên minh Châu Âu và đối diện với tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm, thuốc men, năng lượng...do nguồn cung bị gián đoạn. Cùng với hệ quả từ dịch Covid-19 do virus corona có thể đẩy tình huống như vậy trầm trọng hơn nữa, đưa kinh tế Anh bước vào một cuộc suy thoái thực sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.