TP.HCM đề xuất chính sách kiều hối để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng
TP.HCM đề xuất chính sách kiều hối để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng
Nguyễn Thụy
Thứ bảy, ngày 28/09/2024 10:15 AM (GMT+7)
TP.HCM vừa đưa ra đề xuất phát hành trái phiếu từ nguồn kiều hối để phát triển hạ tầng, lập các quỹ như kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ sản xuất vừa và nhỏ...
Đó là những giải pháp trong Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030 vừa được UBND thành phố phê duyệt.
Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối
Theo đề án, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì triển khai đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ UBND TP.HCM kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề xuất điều chỉnh, bổ sung.
Cả năm 2023, tổng lượng kiều hối về TP.HCM đạt 9,5 tỷ USD, tương đương 228.000 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,18 tỷ USD. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp hay trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn kiều hối có tính ổn định. Nhưng TP.HCM chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút và phát huy nguồn lực này. Đây là lý do phải xây dựng đề án và chính sách.
Đề án nêu các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...), hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh.
Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi. Định hướng huy động nguồn kiều hối vào kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bán các tài sản công…
Đồng thời hỗ trợ kết nối các tổ chức tài chính, công ty kiều hối nhằm đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, các nước có đông người Việt Nam lao động, sinh sống, kết hợp mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài chuyển kiều hối về Việt Nam.
Buổi họp mặt kiều bào gốc Việt chào mừng Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9) được Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 31/8/2024. Kiều hối được đánh giá là nguồn vốn ổn định. Ảnh: Nguyễn Thụy
Hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối
TP.HCM cũng sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.
Các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng 3 sản phẩm “tài khoản song song", một trong các tài khoản được dùng để gửi tiền về cho gia đình tại thành phố và người thân của họ tại thành phố được toàn quyền sử dụng tài khoản đó. Tài khoản thứ hai chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mới có thể truy cập và có thể được sử dụng để tích lũy tiền cho đầu tư sau này.
Thành phố cũng đưa ra giải pháp hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất vừa và nhỏ, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài... để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt từ nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối.
Đề xuất phát hành trái phiếu với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm nhằm thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, từng phát biểu rằng nguồn vốn vay, vốn đầu tư nước ngoài… phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hoàn trả, chưa kể đến các điều kiện vay vốn và áp lực trả nợ cùng các yếu tố khác có liên quan. Trong khi đó, nguồn lực kiều hối không chịu những tác động và yêu cầu này. Vì vậy sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối, mang lại lợi ích to lớn trên nhiều phương diện: từ cá nhân, hộ gia đình đến phát triển kinh tế xã hội.
TP.HCM là nơi có liên hệ với khoảng 50% trong tổng số khoảng 5,8 triệu kiều bào gốc Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 80% kiều bào đang sống ở các nước có nền kinh tế, khoa học, công nghệ và giáo dục phát triển. Hàng năm, lượng kiều hối đổ về TP.HCM chiếm từ 38%-53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam. Đây là dòng tiền chuyển đơn phương theo hướng một chiều về Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, với mức tăng trung bình 3% - 7%/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.