Cà phê gieo đắng phận người: Bao giờ thoát nợ?

Thứ tư, ngày 09/11/2011 16:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ đưa ra những nghi vấn về khoản tiền nợ khổng lồ cũng như mức thu khoán cao, công nhân của Công ty Cà phê Đăk Đoa còn gửi tới các cơ quan chức năng bản kiến nghị về những nghi vấn trong danh mục chi phí của phương án khoán giai đoạn 2011 - 2015.
Bình luận 0

Húp cháo chờ lãnh đạo

Trao đổi với PV NTNN, chị Phạm Thị Liêm - công nhân Công ty cà phê Đăk Đoa - cho biết: "Trong suốt 4 ngày từ 26 - 29.9, hàng trăm công nhân chúng tôi đã ngồi giữa trời mưa, nấu cháo trắng húp qua bữa để mong được gặp và trao đổi với ông Giám đốc Công ty về những nghi vấn trong phương án khoán mới. Tuy nhiên, nguyện vọng đơn giản đó đã không được đáp ứng.

img
Hàng trăm công nhân tập trung ở cổng Công ty Cà phê Đăk Đoa sáng 30.10 để phản đối phương thức khoán giai đoạn 2011 - 2015.

Ngày 29.9, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cử đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Trương - Phó Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn về Đăk Đoa làm việc. Thế nhưng ông Trương không làm việc trực tiếp với công nhân mà chỉ nói qua loa phóng thanh rằng đến hết ngày 30.10, nếu công nhân nào không ký vào phương án khoán mới thì sẽ thu hết lô cà phê và giao cho lực lượng khác làm".

Trước sự phản ứng quyết liệt của công nhân, ông Nguyễn Văn Trương đã phải làm việc với người lao động một giờ đồng hồ và viết giấy hẹn trả lời công nhân vào 9 giờ sáng ngày 30.9. Tuy nhiên không hiểu vì sao, sáng 30.9, khi công nhân đã tập trung đông đủ thì ông Trương lại không dự họp và cùng đoàn bỏ về.

Chị Liêm bức xúc: "Đến tận 10 giờ 30 ngày 1.10 ông Phó Tổng giám đốc mới tiếp tục làm việc với chúng tôi. Thế nhưng trong buổi làm việc ngắn ngủi đó, ông Trương và ông Lê Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty đã không thể trả lời được những nghi vấn mà công nhân đưa ra".

Những “giọt đắng” cà phê

Về khoản nợ 18,5 tỷ đồng mà công nhân Công ty Cà phê Đăk Đoa đang phải è cổ chịu lãi, ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam giải thích: "18,5 tỷ này là nguồn vốn vay đầu tư cho vườn cây.

Vì vườn cây của Đăk Đoa không phải từ nguồn ngân sách nên nguồn hình thành tài sản của vườn cây Đăk Đoa có một phần là vốn vay và khi Đăk Đoa được tách ra từ Ia Sao thì có khoản nợ 18,5 tỷ đó. Cho nên khấu hao lãi suất vay đầu tư lớn hơn nhiều so với khấu hao vườn cây của các doanh nghiệp xung quanh. Đây là yếu tố khiến chi phí nộp sản phẩm khấu hao vườn cây của Đăk Đoa cao hơn so với các doanh nghiệp khác.

Trong phương án khoán chỉ tính thêm phần lãi ngân hàng của 18,5 tỷ đồng thôi vì lãi của ngân hàng không được tính vào nguyên giá vườn cây mà phải phân bổ coi như một khoản chi phí mà vườn cây phải chịu. Khoản đó theo quan điểm của tôi là hợp lý".

Vẫn theo lời ông Thiêm, bình quân thu hoạch của Công ty Cà phê Đăk Đoa là 11,5 tấn/ha. Theo tỉ lệ 67% của doanh nghiệp, 33% của công nhân theo khoán mới thì người lao động sẽ thu 40 triệu đồng/ha/năm. Nếu đúng như lời ông Tổng Giám đốc nói thì đây là một phương án khoán rất có lợi cho công nhân và chẳng có lý do gì gần 200 công nhân của Công ty Cà phê Đăk Đoa lại đồng loạt phản ứng như vậy.

Về sự việc này, ông Phùng Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, Tổng Công ty Cà phê VN và Công ty Cà phê Đăk Đoa nên nhanh chóng đối thoại với công nhân, đảm bảo lợi ích chính đáng cho công nhân, tránh gây mất trật tự tại địa phương khi diễn ra tình trạng đình công kéo dài.

Không hiểu căn cứ vào đâu mà ông Thiêm khẳng định: "Đăk Đoa có 500 công nhân nhưng tôi khẳng định chỉ có một số công nhân không đồng ý". Trong khi PV NTNN có mặt tại Công ty Cà phê Đăk Đoa ngày 30.10 thì thấy hàng trăm công nhân vẫn tập trung ở cổng công ty để phản đối phương thức khoán trên.

Trong những ngày ở Đăk Đoa, chúng tôi còn được nghe nhiều người nhắc đến trường hợp của gia đình ông Nguyễn Kim Liệu - công nhân đội sản xuất số 4, người có thâm niên cao nhất tại công ty với hơn 40 năm gắn bó mảnh đất này. 62 tuổi, đáng lý ra ông đã được về hưu an nhàn với con cháu.

Thế nhưng ông Liệu vẫn chưa được nghỉ. Lý do là vì ông đang còn nợ công ty gần 10 tấn cà phê tươi. Năm này qua năm khác, số nợ năm tới chắc chắn sẽ cao hơn, vì diện tích cà phê nhà ông hiện đang bị dịch ve sầu phá hoại, năng suất ước chỉ đạt 3 - 4 tấn/ha. Chẳng hiểu các lãnh đạo của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có biết những chuyện này không?

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem