Cà phê gieo đắng phận người: Nhận khoán hay mất việc?

Thứ ba, ngày 08/11/2011 16:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nợ cũ chưa trả xong thì mới đây, hàng trăm công nhân của Công ty Cà phê Đăk Đoa lại "chết lặng" khi nhận được quyết định giao khoán theo phương án mới của công ty - phương án mà họ gọi là "con đường chết".
Bình luận 0

Không nhận khoán là mất việc

Trong khi còn đang quẩn quanh với đống nợ đồng lần trả mãi chưa xong thì những công nhân ở Đăk Đoa lại thêm bàng hoàng khi nhận được phương án giao khoán mới giai đoạn 2011 - 2015 của Công ty Cà phê Đăk Đoa.

img
Những công nhân cả đời lăn lộn với cà phê nhưng trên vai họ vẫn ngày càng nặng trĩu một khoản nợ khổng lồ.

Theo tờ trình số 193/TT-CT do Công ty Cà phê Đăk Đoa đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt thì giai đoạn 2011 - 2015, Công ty cà phê Đak Đoa giao khoán 320,73ha cà phê kinh doanh. Năng suất giao nhận khoán là 11.300kg quả tươi/ha/năm.

Hình thức giao nhận khoán là bên giao khoán và bên nhận khoán cùng đầu tư. Sản phẩm phân phối mỗi bên được hưởng theo tỷ lệ tương ứng với tiền vốn và công sức của mỗi bên đóng góp theo hợp đồng và thực tế. Sản phẩm công nhân phải nộp lại cho công ty là 7.286kg cà phê tươi/ha.

Phương án này đã được ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam - phê duyệt qua Quyết định 405/QĐ-HĐTV ngày 19.7.2011.

Nghe khối lượng sản phẩm phải nộp lại cho công ty chỉ hơn 7 tấn, ai cũng tưởng đời sống công nhân giờ đây sẽ dễ thở hơn và có cơ hội thoát khỏi đói nghèo. Nào ngờ để được giảm xuống con số đó thì công nhân phải tự trả lương cho mình, tự nộp bảo hiểm xã hội và phải gánh thêm khoản lãi vay nợ 22 tỷ đồng tự dưng xuất hiện. Đặc biệt, nếu chấp nhận phương thức khoán mới này thì công nhân sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro thường xuyên xảy ra như mất mùa, sâu bệnh…

Trao đổi với PV NTNN, anh Đặng Đức Trung - công nhân đội sản xuất số 6, cho biết: "Theo đúng thông báo số 185 của Công ty Cà phê Đăk Đoa, hạn cuối cùng là ngày 30.10.2011, nếu công nhân nào không ký phương án giao khoán 2011 - 2015 thì tiếp tục làm cho hết niên vụ 2011 theo phương án cũ 2009 - 2010 và chờ giải quyết chế độ theo Bộ luật Lao động. Điều đó có nghĩa là mất việc”.

Cũng theo anh Trung, hàng trăm công nhân không đồng ý với phương án khoán này bởi nhiều lý do. Lý do đầu tiên là phương án khoán mới được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Công ty Cà phê Đăk Đoa đơn phương xây dựng và phê duyệt, không cho người lao động bàn bạc và thương thảo.

Mập mờ khoản nợ 18,5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Hữu Vững - công nhân Công ty Cà phê Đăk Đoa cho biết thêm: "Công ty Cà phê Ia Sao 1, Công ty Cà phê Ia Sao 2, Công ty Cà phê Đăk Đoa cùng thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, cùng thực hiện một chỉ đạo chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thế nhưng khi công nhân 2 công ty kia không đồng ý với phương án khoán mới thì 2 doanh nghiệp này đã điều chỉnh khoán theo hướng khác. Hiện công nhân của 2 công ty này đã ký xong khoán theo hình thức khoán trắng.

Nghĩa là doanh nghiệp chỉ thu về những gì doanh nghiệp đã bỏ ra, còn đâu thì người lao động được hưởng. Năng suất giao nhận khoán của 2 đơn vị này là 11,4 tấn nhưng khối lượng sản phẩm công nhân phải nộp lại cho công ty thấp hơn nhiều so với Đăk Đoa. Đối với Công ty Ia Sao 2 thì chỉ thu về 2.996kg cà phê quả tươi/ha. Công ty Ia Sao 1 thì thu về 2.950kg/ha. Trong khi Công ty Cà phê Đăk Đoa thu về tận 7.286 kg/ha".

Cùng phải trả nợ cho công ty mẹ, nhưng trên bản tổng hợp chi phí sản xuất cho 1ha cà phê kinh doanh thì 2 Công ty Cà phê Ia Sao 1 và 2 không có khoản nào thể hiện tiền chia nợ từ công ty "mẹ" bắt công nhân đóng, còn của Đăk Đoa thì có mục tính 30% lãi vay Công ty Ia Sao chuyển nợ về.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khối lượng sản phẩm công nhân Công ty Đăk Đoa phải đóng cao hơn các công ty khác vì trong chi phí sản xuất mà công ty thu lại từ công nhân còn có tiền lãi khoản nợ 18,5 tỷ đồng. Khoản nợ này trước đây được đưa ra là gần 22 tỷ, nhưng sau khi công nhân có ý kiến thì Giám đốc Công ty trả lời là đã bỏ ra hơn 3 tỷ "vãng lai" mà không giải thích gì thêm.

Theo lời của lãnh đạo công ty thì đây là nguồn vốn vay xây dựng nguồn cây từ khi chuyển đổi cây chè sang cây cà phê. Năm 2005, sau khi sáp nhập Nông trường Đăk Đoa vào Công ty Cà phê Ia Sao thì khoản nợ đó được giao cho công ty mẹ quản lý.

Đến tháng 4.2011, Công ty Cà phê Ia Sao giải thể thì khoản nợ đó được chia đều về cho các doanh nghiệp nhỏ là Ia Sao 1, Ia Sao 2, 706 và Đăk Đoa. Thế nhưng trên bản tổng hợp chi phí sản xuất cho 1ha cà phê kinh doanh thì 2 Công ty Cà phê Ia Sao 1 và 2 không có khoản nào thể hiện tiền chia nợ từ công ty "mẹ" bắt công nhân đóng, còn của Đăk Đoa thì có mục tính 30% lãi vay Công ty Ia Sao chuyển nợ về.

Vì sao có sự khác biệt trên thì đến nay lãnh đạo Công ty Cà phê Đăk Đoa vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Bài 3: Bao giờ thoát nợ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem