Cà phê vào mùa, cả làng kéo nhau lên Tây Nguyên hái thuê để... kiếm cái Tết

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 25/11/2023 10:41 AM (GMT+7)
Cứ vào độ tháng 11 và 12 hàng năm là thời điểm bước vào vụ thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Đây cũng là lúc hàng trăm lao động ở các tỉnh miền Trung lại đổ về đây để hái cà phê thuê để kiếm thêm nguồn thu nhập lo cho cuộc sống.
Bình luận 0

Đến hẹn lại lên... Tây Nguyên hái cà phê thuê

Huyện Đăk Hà được mệnh danh là "thủ phủ" cà phê của tỉnh Kon Tum với tổng diện tích hơn 12.000 ha, như mọi năm, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, hàng trăm lao động từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên…lại "ngược ngàn" lên đây để hái cà phê thuê. Sự có mặt của nhóm công nhân này không chỉ giúp cho các chủ vườn cà phê nhanh chóng thu hoạch thành quả mà còn tạo nên không khí rộn ràng ở núi rừng Tây Nguyên.

Cả làng kéo nhau lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để...kiếm cái Tết - Ảnh 1.

Nhiều lao động đến từ Quảng Ngãi tập trung tại huyện Đăk Hà để chờ các chủ vườn cà phê đến thuê.

Ghi nhận tại ngã tư Hà Mòn – Ngọc Wang (thuôc thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) – địa điểm thường được người dân gọi là "chợ lao động", có rất đông xe máy mang biển số 76 (tỉnh Quảng Ngãi) tập trung ở đây từ sáng cho đến chiều. Họ đi theo từng tốp từ 5-10 người. Trên xe của họ lỉnh kỉnh đồ đạc như nồi niêu xoong chảo, gạo, chăn gối màn. Mọi người dường như đã chuẩn bị cho một chuyến lao động dài ngày.

Theo tìm hiểu, nhóm người này tập trung ở đây để chờ các chủ vườn cà phê đến. Sau khi thống nhất được mức giá thuê hái, họ sẽ theo các chủ vườn về trang trại để bắt đầu công việc.

Cả làng kéo nhau lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để...kiếm cái Tết - Ảnh 2.

Trên xe của họ lỉnh kỉnh đồ đạc để chuẩn bị cho một chuyến lao động dài.

Chúng tôi gặp chị Đinh Thị Hân (trú tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) ở trong đám người. Chị kể, bản thân có hai người con đang ở độ tuổi đi học và đã ly dị chồng từ lâu. Nhà không có đất sản xuất nên quanh năm chị chỉ đi làm thuê để kiếm sống, trang trải cho cuộc sống gia đình.

"Cứ đến mùa cà phê tôi cùng người dân trong làng rủ nhau lên Tây Nguyên làm thuê. Đây là năm thứ hai tôi lên đây. Trước khi đi, tôi đã gửi hai đứa con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi chuẩn bị đồ đạc để lên đường. Công việc này tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cao để lo cho con cái ăn học và đón một cái Tết đủ đầy hơn", chị Hân nói.

Mưu sinh hái cà phê thuê vì cái Tết ấm no

Chúng tôi vào sâu trong các vườn cà phê để tìm hiểu về công việc của những lao động ngoại tỉnh. Tại khu vườn cà phê rộng khoảng 1,5 ha ở thị trấn Đăk Hà, một nhóm công nhân Quảng Ngãi đang trải bạt quanh gốc cà phê rồi bắt đầu hái. Trong khi đó, một nhóm khác đang phân loại quả cà phê sau khi hái rồi cho vào bao.

Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Đinh Sông Hương (trú tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) với đôi tay thoăn thoắt đang tuốt từng hạt cà phê xuống dưới bạt, người của ông nhễ nhại mồ hôi.

Cả làng kéo nhau lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để...kiếm cái Tết - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Bốp đã có 4 năm làm nghề thu hái cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Hương cùng vợ lên đây hái cà phê được khoảng nửa tháng. Hàng ngày, hai vợ chồng phải dậy từ 4h sáng để nấu cơm ăn sáng và chuẩn bị cho bữa trưa. Khoảng 1 tiếng sau, mọi người ra vườn bắt đầu công việc cho đến hơn 12h trưa rồi tập trung ăn uống, nghỉ ngơi. Hai vợ chồng nhận hái khoán với mức tiền công 100.000 đồng/tạ. Nếu siêng năng thì mỗi người có thể hái được từ 3,5 – 4 tạ/ngày.

"Tôi đã có 3 năm làm công việc này. Cứ đến mùa thu hoạch cà phê là các chủ vườn ở Tây Nguyên lại điện thoại nên chúng tôi đến làm. Ở quê mùa này chả có công việc gì kiếm ra tiền nên cả làng rủ nhau lên đây hái cà phê. Xa nhà hơi cực một chút nhưng thu nhập cao, khoảng 10-15 triệu đồng trong khoảng hơn một tháng đi làm. Sau khi hái cà phê ở Kon Tum, chúng tôi xuống Gia Lai, Đắk Lắk làm tiếp", ông Hương bộc bạch

Giống như ông Hương, ông Phạm Văn Bốp (trú tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng có thâm niên 5 năm đi hái cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Cả làng kéo nhau lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để...kiếm cái Tết - Ảnh 4.

Người lao động cần mẫn thu hái cà phê giữa tiết trời nắng nóng.

Ông chia sẻ: "Ở quê, gia đình tôi trồng keo, lúa nên mùa này công việc rảnh rỗi. Cách đây 4 năm, tôi có đến các tỉnh Tây Nguyên hái cà phê, trong đó có Kon Tum. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng lên đây. Hái xong ở vườn này, chúng tôi lại ra ngã tư Hà Mòn chờ chủ vườn cà phê khác đến thuê. Mỗi đợt đi hái cà phê thuê kéo dài khoảng 2 tháng rồi mới trở về Quảng Ngãi. 

Công việc này cũng đòi hỏi nhiều sức khỏe, người đi hái công không chỉ tuốt cà phê mà còn kéo bạt rồi tuồn cà phê vào bao, phụ chủ vườn vác ra xe để chở về nhà. So với việc ruộng đồng và những việc khác ở quê thì nghề hái cà thuê cho thu nhập cao hơn hẳn. Bình quân một người có thể kiếm được từ 350.000 – 500.000 đồng/ngày".

Ông Nguyễn Văn Khiếu (chủ vườn cà phê cà phê tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho hay, trong vụ thu hoạch năm 2023, gia đình ông có 1,6 ha cà phê. Năm nay, ông thuê 10 nhân công đến từ Quảng Ngãi để hái cà phê trong vòng 1 tuần. Tất cả lao động khi đến đây làm việc đều được ông Khiếu bố trí chỗ ở với đầy đủ điện nước.

"Vài năm trước, do dịch bệnh Covid-19 nên việc thuê nhân công rất khó khăn. 2 năm trở lại đây tình hình bắt đầu ổn định lại, đến vụ thu hoạch cà phê, lao động ở các tỉnh miền Trung lại rủ nhau đến huyện Đăk Hà hái cà phê thuê ngày càng nhiều. Nhờ có họ mà việc thu hái, sơ chế cà phê của gia đình tôi theo kịp thời vụ", ông Khiếu nói và cho biết, giá cà phê năm nay rất khởi sắc.

Cả làng kéo nhau lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để...kiếm cái Tết - Ảnh 5.

Công việc tuy vất vả nhưng mang lại cho các lao động ngoại tỉnh nguồn thu nhập cao để trang trải cho cuộc sống

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Hà cho hay, trước khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, đơn vị đã phối hợp với Phòng LĐ&TBXH và UBND các xã, thị trấn rà soát tổng diện tích cà phê có nhu cầu cần phải thuê lao động để thu hái để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, ban ngành sẽ rà soát một số xã có diện tích cà phê ít và nhu cầu có người dân để thu hái. Trên cơ sở đó, sẽ kết nối những xã có diện tích cà phê nhiều để phân bổ lực lượng lao động cho các xã có diện tích ít.

"Cứ vào vụ thu hoạch cà phê hàng năm, lực lượng lao động tại địa phương phục vụ cho việc thu hái chỉ đáp ứng được khoảng 40-50%, số còn lại là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Sự có mặt của lực lượng lao động ngoại tỉnh đã góp phần giúp cho các nhà vườn thu hoạch cà phê kịp thời vụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm", ông Hưng thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem