Một huyện của Kon Tum đang chấn chỉnh tình trạng hái bán cà phê chưa chín

Chủ nhật, ngày 12/11/2023 06:07 AM (GMT+7)
Trước thông tin nhiều người dân thu hái cà phê chưa đảm bảo tỷ lệ quả chín bán cho thương lái ngoài địa bàn, UBND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh.
Bình luận 0

Qua đó kiểm tra, ngàn chức năng, địa phương vận động các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm quy định về thu hái, chế biến cà phê, góp phần xây dựng thương hiệu Cà phê Đăk Hà vươn tầm quốc tế.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, có nhiều thông tin đăng tải về việc các xe tải chở cà phê xanh từ tỉnh Kon Tum đi nhập tại các vựa thu mua ngoài địa bàn, dù đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh, các đại lý Đăk Hà mới bắt đầu mở sân và tiến hành thu mua cà phê tươi. 

Điều này đã gây bức xúc cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn huyện, vì làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu Cà phê Đăk Hà.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - chủ cơ sở chuyên thu mua, chế biến cà phê tại thôn 1, xã Hà Mòn, (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) tình trạng các thương lái đến địa bàn thu mua cà phê quả tươi bắt đầu khó kiểm soát từ 2 năm trở lại đây. 

Đặc biệt, từ khi một số hộ bán rẫy khu vực ven lòng hồ thủy điện Plei Krông cho người ngoài địa bàn. Các tiểu thương đã đến các rẫy này để thu mua cà phê quả tươi với giá cao hơn thị trường từ 2 - 3 giá, nếu chủ rẫy đồng ý bán, họ sẽ đánh xe vào tận rẫy để thu mua rồi xuất bán qua các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai.

Một huyện của Kon Tum đang chấn chỉnh tình trạng hái bán cà phê chưa chín - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hương (áo vàng) chủ cơ sở chuyên thu mua, chế biến cà phê tại thôn 1, xã Hà Mòn, (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) bức xúc trước tình trạng thu hái cà phê không đảm bảo tỷ lệ quả chín. Ảnh: TN

“Trước thời điểm bước vào vụ thu hái cà phê, UBND xã đã mời các doanh nghiệp, đại lý đến làm việc và ký cam kết không thu hái cà phê quả xanh, không tiêu thụ cà phê không rõ nguồn gốc, cũng như đảm bảo an ninh trật tự trong mùa thu hái để xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà. 

Thương hiệu cà phê Đăk Hà không phải một sớm một chiều có được. Giữ được thương hiệu thì sản phẩm mới có giá trị kinh tế. Thế nhưng một số cá nhân không chấp hành, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả huyện, điều này không thể chấp nhận được, phải xử lý nghiêm” - bà Hương bức xúc.

Sau khi nắm bắt thông tin về tình trạng thu hái cà phê quả xanh, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, xác minh. 

Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng thu hái cà phê sớm trên địa bàn huyện diễn ra chủ yếu tại khu vực giáp ranh lòng hồ thủy điện Plei Krông, tại các diện tích vườn của người dân đã bán cho các cá nhân ngoài địa bàn, sau đó, các cá nhân này giao lại cho một số người dân vừa trông coi, canh tác theo kiểu tận thu nên sản lượng không đáng kể.

Theo ông Nguyễn Đình Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, hiện tại trên địa bàn xã có khoảng trên 50ha cà phê thuộc diện tích vườn của các hộ dân ngoài địa bàn đã mua. Hầu hết diện tích này đều được giao cho các cá nhân khác trông coi. 

Vì không có thời gian chăm sóc và sợ bị mất trộm nên các cá nhân này tiến hành thu hái sớm để bán cho các thương lái. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết diện tích này đã thu hái xong và bán quả tươi ra khỏi địa bàn. 

Đối với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đều chấp hành tốt quy định thu hái cà phê quả chín để xây dựng thương hiệu Cà phê Đăk Hà theo chủ trương của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Quá trình tiến hành kiểm tra, chúng tôi đều có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị với địa phương rà soát, cân đối, điều chuyển lao động thu hái cà phê trên địa bàn huyện một cách hợp lý, tạo điều kiện đảm bảo ngày công và việc làm cho người lao động; hướng dẫn và quản lý việc thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên. 

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến cam kết bảo vệ môi trường, không gây tiếng ồn và khói bụi tại khu dân cư; tuân thủ quy định xuất cà phê ra khỏi địa bàn huyện phải là cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý và sử dụng bao bì, nhãn mác có logo “Cà phê Đăk Hà”; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường trong việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm cà phê, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng ép giá đối với sản phẩm cà phê”.

Với tổng diện tích trên 1.200ha, cà phê được huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) xác định là loại cây chủ lực, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập để người dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. 

Việc sớm chấn chỉnh tình trạng thu hái cà phê không đảm bảo tỷ lệ quả chín, cùng với thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 11/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà (khóa VI) về lãnh đạo phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế giai đoạn 2020 - 2025.

Trọng Nghĩa (Báo Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem