Cá tra Việt Nam hết “một mình một chợ”: Phải thay đổi thôi

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 23/08/2018 06:45 AM (GMT+7)
Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” (Bộ NNPTNT tổ chức ngày 21.8), nhiều ý kiến cho rằng, nhiều năm trước đây, cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trong cả sản xuất lẫn chế biến và xuất khẩu. Thế nhưng, lợi thế “một mình một chợ” đó tới đây sẽ không còn nữa…
Bình luận 0

Áp lực cạnh tranh từ quốc gia khác

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành cá tra Việt Nam đã trải qua 20 năm hình thành, phát triển và có những đóng góp rất quan trọng vào sự lớn mạnh của ngành nông nghiệp. Cụ thể, năm 1997, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,65 triệu USD, chiếm 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản thì đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đã vượt mức 1,7 tỉ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản. VASEP nhận định, trong 20 năm qua, có thể nói cá tra là loại thủy sản độc quyền của Việt Nam từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu.

Theo đó, sản phẩm này ngày càng được nhiều thị trường ưa chuộng, nhất là với những thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Hongkong, các nước ASEAN...

img

Một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Cần Thơ tham gia xuất khẩu cá tra. Ảnh: H.X

Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” đã diễn ra lễ ký kết đề án hợp tác sản xuất cá tra giống 3 cấp (cấp 1 là nghiên cứu cung cấp đàn cá tra bố mẹ, cấp 2 là nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột, cấp 3 là ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông qua nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp).

Tuy nhiên, thời gian gần đây một số quốc gia đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam. “Sản lượng nuôi cá tra tại Indonsia đã đạt 110.000 tấn/năm. Hiện Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch được 10.000 tấn cá tra ở đảo Hải Nam. Những quốc gia này sử dụng công nghệ cao, tập trung mạnh vào chất lượng thay vì số lượng” - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết.

Còn ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản thì cho hay, hiện Ấn Độ đã có sản lượng cá tra nuôi đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh cũng có tới 450.000 tấn. “Việc các nước đầu tư vào con cá tra sẽ tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam. Vì vậy, tới đây những vấn đề về mặt định hướng cần phải quan tâm chú trọng” - ông Cẩn nói.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường Trung Quốc và Hongkong dẫn đầu về nhập khẩu cá tra nước ta nhưng thiếu ổn định và rất dễ gặp rủi ro. Trong tương lai không xa, Trung Quốc cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu mặt hàng này, do đó nếu không sớm có giải pháp chiến lược, sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ.

img

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Dân ồ ạt thả nuôi

Theo đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, từ đầu năm 2018 đến nay, người dân nhiều nơi ồ ạt thả nuôi cá tra. Tại TP.Cần Thơ, diện tích thả nuôi đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ, giá cá nguyên liệu cũng bắt đầu giảm còn 26.000 - 26.500 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn có lãi. Dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cá nguyên liệu vẫn còn nhiều.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi đã đạt hơn 1.800ha, tăng 99ha so với cùng kỳ năm 2017. Tại tỉnh Kiên Giang, một số hộ dân ở địa phương này đã tự ý chuyển đổi 800ha đất trồng lúa sang đào ao ương cá tra, nâng tổng diện tích nuôi cá lên hơn 1.300ha.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra Trung Quốc và Hongkong - thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Ngoài ra, ngành hàng này tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn từ rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống phá giá cao kỷ lục (từ 3,87% lên 7,74% USD/kg). Ả Rập Saudi vẫn đang tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam. Khối các nước Hồi giáo vùng Trung Đông cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt và đặc thù về bao gói, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn Halal, mật độ nuôi đến cách chế biến/giết mổ động vật và đòi kiểm soát luôn cả toàn chuỗi.

Trước tình hình trên, ông Quốc đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cố gắng xây dựng các dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm với những dòng sản phẩm giá trị gia tăng để tạo nên nét khác biệt.

 “Cần thiết phải có trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Khi đó sẽ cạnh tranh về chi phí hiệu quả hơn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa được quản lý thống nhất” - ông Quốc nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra có thể đạt con số trên 2 tỷ USD. Để phát huy lợi thế sẵn có và khắc phục những khó khăn đang tồn tại, người nuôi và các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau, thực hiện tái cơ cấu để có sản lượng lớn, cung cấp với giá thành đủ sức cạnh tranh. Bộ NNPTNT ghi nhận ý kiến của các bên liên quan và sẽ có cơ chế chính sách phù hợp.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem