Các cơn đau đều có ký ức

Thứ tư, ngày 18/03/2015 05:00 AM (GMT+7)
Nếu không thể quên đi cơn đau, phụ nữ sẽ không bao giờ có thể sinh nở quá một lần. Trên thực tế, các ký ức đau đớn không phải lúc nào cũng tan biến.
Bình luận 0

Hầu hết các bà mẹ sau khi sinh con đầu lòng đều trả lời rằng họ sẽ không sinh thêm nữa vì cơn đau đẻ quá khủng khiếp. Thế nhưng chỉ vài năm sau, ta có thể bắt gặp chính bà mẹ đó chuẩn bị sinh đứa con tiếp theo.

Lời giải thích thường được đưa ra ở đây là chính não bộ đã làm phụ nữ "quên" đi cảm giác đau khi sinh. Đây có thể coi là một bước tiến hóa lớn khi phụ nữ sẽ không sợ sinh nở vì đau. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy kết luận này không đúng.

img

Đau đẻ là cảm giác khủng khiếp đối với các bà mẹ. Ảnh: scarymommy 

Một thống kê trước năm 2000 chỉ ra rằng, hầu hết phụ nữ không hoàn toàn quên đi cảm giác đau đớn khi sinh. Nghiên cứu được thực hiện trên 2428 bà mẹ, với các khoảng thời gian là hai tháng và 12 tháng sau khi sinh. Kết quả cho thấy, 60% phụ nữ có ấn tượng không đổi về cơn đau đẻ ở hai mốc này. Ở mốc 12 tháng, 35% hoàn toàn quên hết cảm giác đau khi sinh, 18% không những không quên mà còn cảm thấy tồi tệ hơn.

5 năm sau đó, các nhà nghiên cứu thống kê lại một lần nữa. Lần này, khoảng một nửa trong số những người có ký ức tích cực hai tháng sau sinh trước đây hoàn toàn không còn vấn đề gì với cơn đau, trong khi những người có ký ức tiêu cực thì không. Đây cũng có thể coi là một điều tốt. Một số chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều phụ nữ coi cơn đau đẻ là một thách thức khó khăn nhất mà họ đã vượt qua được,và ghi nhớ nó, khiến họ cảm thấy tự tin khi đối mặt với các vấn đề khó khăn khác.

img

Ký ức cơn đau có thể giúp con người rút kinh nghiệm và không để xảy ra những tai nạn tương tự. Ảnh minh họa: Thinkstock 

Thế nhưng, kết luận ký ức cơn đau không mất đi theo thời gian lại đi ngược với các kết luận nghiên cứu tâm lý về ký ức. Các nghiên cứu này chỉ ra, phải có một chút thay đổi trong mỗi ký ức mỗi khi ta nhớ lại chúng. Ý nghĩa của cơn đau đẻ là để thông tin rằng đứa trẻ đang được đưa ra khỏi bụng mẹ an toàn. Theo lý thuyết, ký ức về cơn đau phải mất dần theo thời gian. Thế nhưng thực tế cho thấy, với nhiều bà mẹ, niềm hạnh phúc được chào đón đứa con cũng không thể xóa đi ký ức về cơn đau.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nếu các cảm giác tích cực của cơn đau không cần thiết phải bị quên lãng, vậy các cảm giác tiêu cực thì sao?

Một số ký ức về cơn đau có tác dụng giúp con người rút kinh nghiệm không để xảy ra tai nạn tương tự với cơ thể, như cảm giác đau khi vô tình đá chân vào cửa, hay cắt vào tay. Đây là những cảm giác đau được ghi nhớ. Trong trường hợp khác, ví dụ như các cơn đau do bệnh tật hay phẫu thuật, thì quên lãng lại là điều tốt hơn. Khi nội soi ruột gây mê tại chỗ (bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng không thể nói chuyện), các bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng một loại thuốc tên là midazolam. Họ có thể vẫn cảm thấy hơi khó chịu trong quá trình nội soi nhưng sau đó sẽ không nhớ gì về cảm giác này.

Theo bác sĩ gây mê Andrew Davidson, các ký ức có ý thức khi sử dụng midazolam có thể không được tạo ra, nhưng trường hợp vô thức thì có. Với ví dụ trên, bệnh nhân đôi khi cảm thấy khó chịu mỗi khi bắt gặp vòi phun nước do nó có hình dạng tương tự với ống nội soi. Theo ông, họ phải được cảnh báo trước về điều này.

Việc nên hay không sử dụng các loại thuốc như midazolam sẽ còn mất nhiều thời gian tranh luận, nhưng có một điều chắc chắn rằng các cơn đau đều có ký ức riêng.

(Theo VnExpress/BBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem